|
Trong đợt đấu thầu 500.000 tấn gạo của Cơ quan lương thực quốc gia Philippines tổ chức hồi tháng 8.2014, các doanh nghiệp xuất khẩu (XK) gạo VN đã đưa ra mức giá đấu thầu là 460 USD/tấn, mức thấp nhất trong các nước dự thầu nhưng vẫn không trúng thầu do cao hơn mức giá trần Philippines đưa ra là 456,6 USD/tấn. Các chuyên gia phân tích, Philippines nắm được điểm yếu của VN là luôn dự thầu với giá thấp và đang cần tiêu thụ lúa gạo, nên ra sức ép giá.
|
Quả nhiên, ở lần đấu thầu lại vào tháng 9, VN đã phải giảm giá thêm 4 USD/tấn để có được lượng gạo trúng thầu là 200.000 tấn. Với giá trúng thầu này, mỗi kg gạo XK chở đến kho của nước nhập khẩu chỉ có giá 9.756 đồng/kg, tương đương 4.880 đồng/kg lúa. Trong khi theo tính toán, muốn người nông dân lời 30% như mục tiêu của Chính phủ, giá bán ít nhất phải đạt 5.000 đồng/kg lúa. Trừ đi chi phí thu gom, vận chuyển, lời lãi của doanh nghiệp (DN), nông dân chỉ lấy công làm lời, thậm chí nhiều vụ còn lỗ nặng.
Lợi nhuận của nông dân xếp chót bảng
Nhưng đây không phải là lần đầu tiên VN phải dùng chiêu cạnh tranh bằng giá rẻ mà lâu nay, giá gạo XK của VN vẫn lẹt đẹt xếp sau những nước khác. Cụ thể, theo Ngân hàng Thế giới (WB), giá gạo Thái Grade B giai đoạn 2009 - 2014 cao hơn giá gạo VN cùng loại (gạo 5% tấm) là 26%; gạo 25% tấm của Thái cao hơn giá gạo cùng loại của VN 22%. Điều này cũng được Viện Nghiên cứu lúa gạo thế giới (IRRI) xác nhận với công bố, năm 2014 vùng ĐBSCL có giá thành sản xuất lúa thấp nhất so với các nước sản xuất lúa gạo khác, đạt 0,13 USD/kg so với 0,15 USD/kg của Ấn Độ, Thái Lan là 0,2 USD/kg, Trung Quốc 0,24 USD/kg, Indonesia 0,24 USD/kg và Philippines là 0,25 USD/kg.
Giá thành thấp nhưng chi phí phân bón, thuốc trừ sâu của ta lại cao hơn rất nhiều so với các nước. Thế nên, lợi nhuận của người nông dân VN cũng xếp chót bảng: chỉ có 0,06 USD/kg so với lợi nhuận của nông dân Thái Lan là 0,2 USD/kg, Indonesia 0,14 USD/kg, Trung Quốc 0,24 USD/kg và Ấn Độ là 0,09 USD/kg.
Thống kê của WB cho thấy, thu nhập của các hộ canh tác lúa có diện tích dưới 1 ha (chiếm tỷ lệ 90% hộ trồng lúa tại VN) chỉ có 151.000 đồng/người/tháng và có xu hướng tiếp tục giảm.
Đáng nói là dù xuất gạo với giá thấp như vậy nhưng tại chính thị trường nội địa, người tiêu dùng trong nước vẫn luôn phải mua gạo với giá cao. Hiện nay giá gạo thường tại các đại lý ở TP.HCM từ 12.500 - 14.000 đồng, gạo thơm từ 15.500 - 19.000 đồng/kg. Một số gạo chất lượng cao như gạo lài sữa, thơm giống Đài Loan... có giá bán lẻ từ 17.000 - 21.000 đồng/kg!
Thích số lượng, bỏ chất lượng
Trong nước thì bị thương lái Trung Quốc ép giá, XK cũng bị đối tác ép đến tận cùng. Nguyên nhân sâu xa theo các chuyên gia, VN chỉ chăm chăm vào việc tăng số lượng mà bỏ qua chất lượng lúa, gạo.
|
TS Trần Văn Đạt, chuyên gia ngành lương thực phân tích: “Chúng ta chỉ chăm chăm trồng lúa nhằm XK gạo và đặc biệt quan tâm đến số lượng hơn là chất lượng mà quên rằng, ngay cả thị trường nội địa cũng đòi hỏi chất lượng cao. Cho nên, trong khi chúng ta XK gạo phẩm cấp thấp, giá trị thấp thì gạo tốt của Thái Lan, Campuchia có cơ hội xâm nhập dễ dàng ở các tỉnh biên giới và đô thị lớn trong nước, và bán với giá cao hơn”.
Cụ thể hơn, GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia lâu năm trong ngành nông nghiệp chỉ rõ những bất cập đang diễn ra của ngành lúa gạo: “Hiện nay các tỉnh ĐBSCL đang sử dụng trên 100 giống lúa, do vậy, rất khó đáp ứng đồng bộ về chủng loại và phẩm cấp của hàng XK quy mô lớn. Trong khi đó Thái Lan chỉ trồng khoảng 2 - 3 giống. Bộ Thương mại nước này ký hợp đồng với nông dân và họ phải đưa sản phẩm trồng trọt của mình đến Bộ kiểm định xem có đúng với giống lúa như hợp đồng hay không. Cho nên VN muốn xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, nâng cao giá trị hạt gạo thì phải xem xét kỹ nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng tại thị trường tiêu thụ. Ví dụ, đối với thị trường Philippines, không cần gạo thượng hạng và cao cấp thì xem họ muốn loại gạo gì mình đáp ứng loại gạo đó. Thị trường Trung Đông cần gạo ngon, thơm thì mình đáp ứng sản phẩm đúng yêu cầu. Các nhà khoa học trong nước sẽ sản xuất giống và quy trình trồng trọt cho nông dân”.
Cũng vì chạy theo số lượng trong khi dự báo thiếu chính xác, những năm gần đây thị trường trong nước luôn rơi vào tình trạng đối mặt với việc ế lúa, gạo. Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), kết quả XK gạo trong tháng 9.2014 chỉ đạt 545.362 tấn, không hoàn thành kế hoạch đề ra là 650.000 tấn. Tính chung 9 tháng, lượng gạo XK đạt 4,7 triệu tấn, trị giá 2,07 tỉ USD. So với cùng kỳ năm 2013 số lượng giảm 7,81%, trị giá FOB giảm 7,2%. Dự báo năm 2015 tiếp tục sẽ là một năm rất khó khăn cho các nước sản xuất và XK gạo do nguồn cung cấp dồi dào và nhất là sự cạnh tranh của gạo Thái Lan.
Với những chuyển biến như vậy, thị trường Trung Quốc đang dẫn đầu khi chiếm tới 35,17% lượng gạo XK của VN. Trong khi đó, một lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã cảnh báo nguy cơ khi chúng ta ngày càng phụ thuộc vào thị trường này: “Nếu có bất ổn xảy ra thì thương mại gạo cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đây cũng là điều VN cần quan tâm vì không chỉ đối với XK gạo mà còn đối với nhập khẩu đầu vào khi phần lớn vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, máy móc cũng nhập chủ yếu từ Trung Quốc”.
nguồn: TNO
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn