Hiện nay, giá cà phê nhân đang ở mức 38 triệu đồng/1 tấn, giảm 6 triệu đồng/1 tấn so với đầu vụ. Trước tình hình đó, anh Đặng Đình Nam ở thôn Kop, xã Kon Gang, huyện Đăc Đoa, tỉnh Gia Lai quyết định đi vay để thanh toán tiền nhân công thu hái và trả nợ phân bón thay vì bán bớt cà phê như các năm. Đây là kinh nghiệm của người trồng cà phê trong nhiều năm qua.
“Vì các chủ vườn bán ồ ạt nên các thương lái o ép. Nên tôi phải tích trữ, bán nhỏ giọt để thương lái không ép giá. Đầu vụ nhà tôi không bán, bởi vì đây là tính toán của người nông dân. Đến tháng 7, tháng 8 (năm sau) mới bán, mức giá khi đó có thể lên. Mấy năm trước tôi tích trữ như vậy đều lên hết” - anh Đặng Đình Nam chia sẻ.
Việc nông dân tích trữ cà phê chờ giá, khiến doanh nghiệp thu mua gặp khó khăn. Bà Huỳnh Thị Lệ Huyền, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Sơn Huyền Phát Gia Lai cho biết, năm nay, công ty dự kiến mua khoảng 30.000 tấn cà phê nhân, nhưng từ đầu vụ tới nay, chỉ mới thu mua được 2.000 tấn.
Nguồn cung khan hiếm, các nhà rang xay và doanh nghiệp xuất khẩu ở TP HCM cũng đang nhập hàng cầm chừng. Vì vậy, doanh nghiệp thu mua cà phê nhân sô cũng lựa chọn phương án mua bán trao tay kiếm lợi nhuận chênh lệch, thay vì tích trữ chờ giá lên như các năm.
“Năm nay, sản lượng vượt hơn năm ngoái 20%, nên tất cả đơn vị đều nhận định giá sẽ xuống tầm 37.000 - 38.000 đồng/1 kg. Nhà rang xay chưa muốn mua hàng vào, vì họ còn đang chờ giá xuống nữa. Nói chung tôi là đơn vị trung gian nên có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu, mua rồi bán ngay” - bà Huỳnh Thị Lệ Huyền cho biết.
Ông Phạm Tấn Lực, Trưởng phòng Quản lý Xuất - Nhập khẩu, Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết: "Hiện tại, giá cà phê nội địa và xuất khẩu đều sụt giảm so với cùng kỳ các năm. Đây là hiện tượng khác với quy luật nhiều năm, khó dự đoán. Vì vậy, cả doanh nghiệp thu mua lẫn người trồng cà phê cần thận trọng để tránh rủi ro".
Ông Phạm Tấn Lực nói thêm: "Giá cà phê xuống thấp như hiện nay sẽ ảnh hưởng mạnh tới việc đầu tư, chăm sóc và lợi nhuận của người trồng cà phê. Còn các thương lái, việc thu mua cà phê sẽ khó khăn khi gặp rủi ro cả trong việc thu mua trực tiếp của người dân và bán ra, xuất khẩu. Trước thực tế đó, người trồng cà phê cần theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến giá cà phê thị trường trong nước và nước ngoài. Tùy theo khả năng tài chính và nội lực của mình để quyết định thời điểm bán phù hợp, nhằm đảm bảo khả năng thu hồi vốn và tái đầu tư sản xuất.”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn