Một vườn cà phê ở Gia Lai. |
Theo một số chuyên gia ngành hàng cà phê, đầu tuần này, giá cà phê giao dịch tại 2 sàn London và New York sụt giảm mạnh. Cụ thể, kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London, kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 44 USD, xuống còn 1.290 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 40 USD xuống còn 1.302 USD/tấn. Như vậy, các mức đều giảm mạnh.
Trên sàn ICE US – New York, khi kết thúc phiên giao dịch ngày 3/2, giá cà phê Arabica giảm rất mạnh. Kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm 4,75 cent/lb, xuống 97,9 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 5 giảm 4,7 cent/lb, còn 100,2 cent/lb.
Những ngày tiếp theo của tuần này, giá cà phê thế giới tiếp tục với xu hướng tiêu cực, nhất là cà phê Robusta. Kết thúc phiên giao dịch ngày 4/2, giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe – London kỳ hạn giao ngay tháng 3 giảm thêm 18 USD, xuống 1.272 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 5 giảm thêm 12 USD, còn 1.290 USD/tấn. Trong khi đó, giá cà phê Arabica trên sàn ICE US – New York điều chỉnh tăng nhưng chỉ tăng rất nhẹ.
Ở cả 2 sàn nói trên, khối lượng cà phê giao dịch trong những phiên vừa qua đều ở mức từ khá cao đến rất cao, cao hơn nhiều so với mức trung bình.
Chịu sự tác động của giá cà phê thế giới, giá cà phê ở Việt Nam trong những ngày qua cũng suy giảm. Tại các tỉnh Tây Nguyên, giá cà phê hiện đang giao động ở mức 30.100-30.700 đồng/kg.
Sản lượng cà phê được dự báo tăng ở Brazil có tác động không nhỏ tới giá cà phê thế giới. Ông Nguyễn Quang Bình, một chuyên gia phân tích thị trường cà phê, cho biết, theo thông tin từ Comexim (một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu của Brazil), ước tính sản lượng cà phê niên vụ 2020-2021 của nước này sẽ đạt khoảng 67,7 triệu bao.
Trong đó, sản lượng cà phê Arabiaca là 48,25 triệu bao (tăng 26,7%0 và Robusta là 19,45 triệu bao (tăng 19,19%). Nếu dự báo này là đúng thì sản lượng cà phê Brazil sẽ đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Và việc tăng mạnh sản lượng ở Brazil có thể làm cho lượng cà phê toàn cầu dư thừa khoảng 3,5 triệu bao so với nhu cầu.
Tuy nhiên, việc thị trường tài chính toàn cầu đang chịu áp lực lớn từ dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (dịch nCoV), cũng tác động không nhỏ tới giá cà phê. Bởi giá cà phê nhiều khi chịu tác động của yếu tố tâm lý, thông tin bên ngoài hơn là cung – cầu. Việc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định bơm 173 tỷ USD để hỗ trợ thanh khoản trong hệ thống ngân hàng nước này nhằm góp phần ngăn chặn thị trường chứng khoán lao dốc do ảnh hưởng của nCoV, trong khi chỉ số hoạt động công nghiệp (ISM) của Mỹ tăng mạnh hơn mức dự đoán, đã góp phần thu hút dòng vốn đầu cơ quay về lại thị trường chứng khoán. Vì vậy, giá vàng, giá cà phê đang tạm thời bị bỏ qua.
Bên cạnh đó, đồng Reais của Brazil tiếp tục suy yếu so với USD cũng gây thêm bất lợi cho giá cà phê, góp phần khiến cho giá cà phê tiếp tục suy yếu.
Theo nhận định của một số chuyên gia ngành cà phê, do đỉnh điểm của nCoV vẫn còn đang ở phía trước nên dịch bệnh này sẽ tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý kinh doanh của các quỹ đầu cơ, người mua.
Trong khi đó, cà phê vẫn chưa được coi là nơi trú ẩn an toàn để kéo vốn từ các nhà đầu tư, so với các kênh khác như thị trường chứng khoán hay giá vàng. Chính vì vậy, dự báo thị trường cà phê sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là cà phê Robusta tại sàn giao dịch ICE Europe – London.
Theo: Sơn Trang/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn