Bạc Liêu là tỉnh có số lượng cá sấu nuôi nhiều nhất tại vùng ĐBSCL. Sau gần 2 năm rớt giá liên tục, hiện nay giá cá sấu thương phẩm tăng trở lại khiến cho người nuôi cá sấu ở đây phấn khởi.
Theo thống kê, hiện huyện Phước Long là địa phương nuôi cá sấu đứng đầu tỉnh Bạc Liêu với hơn 1.000 hộ nuôi hơn 190.000 con cá sấu. Vào thời điểm này, cá sấu được thương lái thu mua với giá dao động từ 110.000 – 135.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Với giá này, sau khi trừ chi phí, người nuôi cá sấu lãi từ 20.000 đến gần 40.000 đồng/kg.
Cá sấu thuộc nhóm động vật hoang dã rất dễ nuôi, lớn nhanh và phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tuy nhiên, thời gian qua do người dân ồ ạt thả nuôi nhưng thiếu liên kết nên có nhiều thời điểm giá cá sấu giảm mạnh, có lúc chỉ còn 60.000 đồng/kg khiến nhiều hộ nuôi lỗ nặng phải nghỉ nuôi.
Theo ông Trương Phước Hiền, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phước Long, từ thực tế mô hình nuôi cá sấu phát triển mạnh, tỉnh Bạc Liêu nói riêng, vùng ĐBSCL và cả nước nói chung cần xem xét thành lập Hiệp hội nghề cá sấu.
Thông qua Hiệp hội này, không chỉ giúp ngành quản lý làm tốt vai trò định hướng trong tổ chức sản xuất, hoạch định kế hoạch cho phát triển nghề chăn nuôi động vật hoang dã gắn với công nghệ chế biến, mà còn làm tốt hơn công tác quản lý thay vì để nông dân phát triển chăn nuôi tự phát như lâu nay.
“Việc thành lập Hiệp hội nghề cá sấu sẽ có tiếng nói chung, mục đích hoạt động để bảo vệ quyền lợi của người nuôi cá sấu, không để bị tư thương ép giá. Khi thành lập Hiệp hội sẽ tiến tới tập trung hộ với nhau để đăng ký theo tiêu chuẩn Cites, từ đó có đủ điều kiện xuất khẩu cá sấu trong thời gian tới đạt hiệu quả hơn”, ông Hiền cho biết./.