So với cuối tháng 7, thời điểm này, giá gạo thành phẩm đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, giá gạo thành phẩm 5% tấm xuất khẩu chính ngạch hiện khoảng 8.200 – 8.300 đồng/kg, gạo 15% tấm từ 7.800 – 7.900 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.400 – 7.500 đồng/kg. Với mức này, giá gạo thành phẩm các loại đã tăng từ 50 - 100 đồng/kg so với hồi cuối tháng 7. Giá gạo xuất khẩu tăng cũng đẩy giá gạo thu mua ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long lên cao và do vậy giá lúa cũng được kéo lên. Cùng với đó, chính sách tạm trữ gạo cũng góp phần kéo giá lúa nhỉnh lên ở mức khá. Những tưởng giá gạo tăng là niềm vui đối với người nông dân thì lại dẫn đến một nghịch lý: Người dân không hào hứng với tin tốt lành ấy. Lý do là bởi, giá lúa tăng nhưng lại tăng ở thời điểm người nông dân đã thu hoạch xong và do không có kho trữ lúa, cũng như phải trang trải các khoản nợ nần… nên lúa đã được bán ngay sau khi thu hoạch. Ông Lê Hương (nông dân xã Tân Phước, Tân Hồng, Đồng Tháp) cho biết, giá lúa tăng như hiện nay người nông dân không được hưởng lợi gì vì đã bán hết rồi, còn đâu nữa mà bán. Gia đình ông thu hoạch được bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu, bán đi để lấy tiền trả nợ tiền mua phân bón, tiền mua thuốc bảo vệ thực vật, để lâu lại lãi mẹ đẻ lãi con… Giờ thấy giá lúa lên, ông Hương thực sự rất xót xa vì đã bán với giá rẻ quá. Theo nhận định của giới chuyên gia, phương thức mua gạo tạm trữ do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) điều hành, doanh nghiệp hầu như không mua trực tiếp từ nông dân mà chủ yếu mua qua thương lái. Bởi vậy, hầu hết nông dân đều bán lúa trước thời điểm tạm trữ, dù giá lúa có tăng trong và sau khi mua tạm trữ thì nông dân cũng không được hưởng lợi. Nhiều bất cập ở chính sách Nói về chính sách tạm trữ gạo, lâu nay đã bộc lộ nhiều vướng mắc. Mặc dù Chính phủ năm nào cũng đưa ra chính sách này để hỗ trợ nông dân, nhưng người nông dân hầu như không được hưởng lợi từ đó. Năm nào cũng vậy, đối tượng chính được thụ hưởng từ chính sách tạm trữ gạo lại thuộc về doanh nghiệp, thương lái chứ không phải nông dân. Ngoài ra, theo các chuyên gia, chính sách này còn bộc lộ một bất cập nữa. Đó là, nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách này đã đẩy một lượng gạo sang Campuchia theo đường tiểu ngạch để tuồn sang Thái Lan, vì ở Thái Lan, giá gạo đang ở mức rất cao. Theo nhận định của ông Lourdes Adriano, Trưởng nhóm Nông nghiệp, An ninh lương thực và Phát triển nông thôn (Vụ Phát triển khu vực bền vững thuộc Ngân hàng Phát triển Châu Á – ADB): Thu mua qua đường tiểu ngạch sẽ có lợi hơn rất nhiều cho các thương nhân Thái Lan. Đây cũng là lý do đẩy giá gạo tấm xuất khẩu của Việt Nam leo thang. "Người dân, doanh nghiệp khi có gạo tạm trữ sẵn sàng bán tháo qua đường tiểu ngạch nếu thấy được giá hơn” – đại diện một doanh nghiệp nhận định. Và như vậy, rõ ràng, chính sách tạm trữ gạo tưởng như hỗ trợ cho nông dân lại không phải như vậy. Bản thân Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng thừa nhận: Qua quá trình thực hiện, phương thức mua tạm trữ này bộc lộ hạn chế là khó kiểm soát được việc mua bán lúa, gạo của doanh nghiệp. Trước thực trạng nói trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây đã xây dựng dự thảo Quy chế về tạm trữ lúa gạo, đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trước ngày 10-9 nhằm hoàn thiện Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Trong dự thảo lần này, có nhiều thay đổi nhằm mục đích hỗ trợ nông dân trồng lúa tạm trữ lúa, gạo và doanh nghiệp mua tạm trữ lúa, gạo trong vụ Đông Xuân và Hè Thu nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong chính vụ thu hoạch, nâng cao giá bán và thu nhập cho nông dân. Trong dự thảo, Bộ cũng nêu rõ các cơ chế hỗ trợ tài chính đối với hộ nông dân và doanh nghiệp như: Hộ nông dân trồng lúa tạm trữ lúa, gạo được ngân hàng cho vay vốn; lượng lúa, gạo tạm trữ là tài sản thế chấp để vay vốn sản xuất lúa vụ sau. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho hộ nông dân, doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo trong thời gian tối đa ba tháng... Đặc biệt, để hạn chế thấp nhất kẽ hở trong chính sách trước đây, đó là doanh nghiệp khi được thu mua lúa, gạo tạm trữ hầu như không mua trực tiếp từ hộ nông dân mà chủ yếu qua thương lái... do đó quy chế và phương thức thu mua tạm trữ lúa gạo tới đây sẽ theo hướng phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ qua UBND cấp tỉnh, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân trồng lúa. Giới chuyên gia hy vọng, với những đổi mới trong chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo, người nông dân sẽ không còn phải chịu cảnh "xót xa khi nhìn thấy giá lúa tăng” như thời gian vừa qua… Duy Phương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn