Dự kiến trong năm 2019 Việt Nam nhập khẩu khoảng 150.00 tấn thịt gà, chiếm khoảng 16% lượng thịt gà sản xuất trong nước. |
Trao đổi với chúng tôi, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng khẳng định, đúng là lượng thịt gia cầm nhập về Việt Nam 8 tháng đầu năm 2019 có tăng so với cùng kỳ các năm, nhưng thịt nhập khẩu không phải là nguyên nhấn chính khiến giá gia cầm giảm trong thời gian ngắn vừa qua.
Số liệu của Tổng cục Hải quan qua các năm 2015 - 2018 cho thấy, số lượng thịt gia cầm nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2019 là trên 98.000 tấn, tăng về khối lượng so với cùng kỳ các năm 2018 (22,3%), 2017 (77,8%), 2016 (7,9%), 2015 (12,4%) còn về giá trị tương ứng là 19,8%; 79,7%; 42,9% và 15,5%.
Với số liệu thống kê trên, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng khẳng định, việc một số cơ quan báo chí, hiệp hội thông tin lượng thịt gia cầm nhập khẩu năm 2019 bằng cả những năm trước cộng lại là không chính xác.
Bằng chứng là với việc ngành gia cầm năm 2019 tăng trưởng 13%, tổng đàn gia cầm cả nước ta tương đương 462 triệu con, trong đó có 358 triệu con gà. Về sản lượng thịt, với số lượng gia cầm suất chuồng trung bình 540 triệu con, sản lượng thịt gia cầm sẽ là 1,24 triệu tấn, trong đó thịt gà chiếm 950.000 tấn và riêng thịt gà công nghiệp 423.000 tấn.
Ông Trọng tính toán, với tốc độ nhập khẩu 8 tháng đầu năm khoảng 98.000 tấn thịt gà như hiện nay thì cả năm 2019 tổng sản lượng thịt gà nhập khẩu về rơi vào khoảng 150.000 tấn. So với tổng sản lượng thịt gia cầm của Việt Nam là 1,24 triệu tấn, thịt gà nhập khẩu chỉ chiếm 12%.
Nhập khẩu thịt, trong đó có thịt gà tăng thời gian qua theo Cục Chăn nuôi là điều tất yếu bởi việc ký kết tự do thương mại và bệnh dịch tả lợn Châu Phi khiến đầu lợn tại Việt Nam giảm gần 20%, qua đó sản lượng thịt lợn cũng giảm trên 10%. Theo tính toán của thế giới, nếu sản lượng thịt lợn giảm 1%, phải tăng 5% thịt gia cầm hoặc 10% thịt bò mới có thể bù đắp được thiếu hụt.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng, nguyên nhân chính dẫn đến việc giá giá cầm, đặc biệt giá gà công nghiệp lông trắng thời gian vừa qua giảm sâu do sự tăng trưởng tổng đàn quá nóng tại một số địa phương khu vực phía Nam.
Do dịch tả lợn Châu Phi nên thời gian qua một số tỉnh phía Nam tăng trưởng nóng đàn gia cầm dẫn đến mất cân đối cung cầu trong thời gian ngắn. |
Để có đánh giá chính xác về tình hình chăn nuôi hiện nay, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo các tỉnh thống kê tổng đàn gia súc gia cầm, sản lượng thịt, thực tế khả năng tái đàn, kết hợp với lượng thịt nhập khẩu để có nhận định tình hình những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, Cục cũng đề nghị các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra chất lượng các loại thịt nhập khẩu để đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Vừa qua, do dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp, người chăn nuôi thiệt hại lớn về kinh tế nên sau đó rất nhiều cơ sở ngay lập tức chuyển đổi sang nuôi gà công nghiệp. Trong khi gà công nghiệp chỉ sau 35 - 42 ngày nuôi đã có thể xuất chuồng nên dẫn tới dư thừa cục bộ tại một vài thời điểm.
Thống kê chỉ ra rằng, thời gian qua tỉnh Đồng Nai có đàn gia cầm tăng 14,28% (tăng khoảng 3 triệu con); Tiền Giang tăng 11,8% (tổng đàn 14,8 triệu con); ở Long An, một số huyện đàn gia cầm tăng 2 - 3 lần; An Giang tăng 42,82%; Trà Vinh tăng trên 2 lần (tổng đàn 6,2 triệu con); Sóc Trăng tăng 12,61% (tổng đàn là 7,7 triệu con)… Chính vì tăng đàn ồ ạt cùng một thời điểm nên đã dẫn đến cung vượt cầu, ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến giá tiêu thụ bị giảm.
“Do dư thừa cục bộ bởi trùng thời điểm xuất chuồng nên đúng là giá gà công nghiệp lông trắng tại một số tỉnh phía Nam xuống chỉ 13.000 - 14.000 đồng/kg, thậm chí có nơi chỉ còn 11.000 - 12.000 đồng/kg, nhưng thời gian giảm rất ngắn, chỉ kéo dài 2 - 3 ngày sau đó ngày 21 - 22/9 giá gà ngay lập tức lên 17.000 - 18.000 đồng/kg, đến nay tăng tiếp lên 23.000 - 25.000 đồng/kg và tiếp tục có xu hướng tăng”, ông Trọng cho biết.
Tuy nhiên, từ câu chuyện con lợn trước kia tới con gia cầm hiện nay, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng cho rằng, cần phải chỉ đạo phát triển chăn nuôi gia cầm theo chuỗi, tăng trưởng đàn song song với sự phát triển tăng trưởng của thị trường tiêu thụ, tránh tăng đột biến và tự phát làm ảnh hưởng đến cân đối cung cầu.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vốn đầu từ nước ngoài có định hướng xuất khẩu sản phẩm gia cầm khi tiến hành đầu tư chăn nuôi mới. Thống kê hiện nay cho thấy gà công nghiệp trắng ở các doanh nghiệp vốn FDI chiếm tới 80% thị phần. Các doanh nghiệp đều có kế hoạch tăng đàn, nhưng chưa có động thái tìm hướng xuất khẩu, nên đến khi cung vượt cầu, chịu thiệt hại lớn nhất là người chăn nuôi.
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, giá bình quân của thịt gà nhập khẩu về Việt Nam là 0,997 USD/kg, trong khi các năm trước giá nhập khẩu dao động 0,85 - 1 USD/kg nên không có sự biến động quá lớn. Hơn nữa, các sản phẩm thịt nhập khẩu về nước ta qua thống kê cho thấy không phải sản phẩm chính tại các nước xuất khẩu là ức gà mà chủ yếu là sản phẩm phụ, bao gồm thịt đùi, chân, cổ, cánh... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn