Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, an toàn thực phẩm và kiểm dịch động vật là rào cản kỹ thuật mà các thị trường nhập khẩu đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Nếu giải quyết tốt hai vấn đề này, không chỉ thịt lợn mà các sản phẩm khác của ngành chăn nuôi sẽ xuất khẩu thành công.
Giá heo hơi (lợn hơi) hôm nay vẫn ở mức cao, phổ biến từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, giúp nông dân có lãi khá. Ảnh minh hoạ: I.T
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, vừa qua thịt lợn tươi của chúng ta đã được xuất khẩu sang thị trường Myanmar. Đây là dấu mốc quan trọng cho sự phát triển trong chăn nuôi nói chung và nuôi lợn nói riêng, góp phần tạo ra đột phá để thúc đẩy sản xuất chăn nuôi trong nước.
Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu buộc chúng ta phải tổ chức lại theo chuỗi và gắn với thị trường, có nghĩa là thay vì trước đây chúng ta chỉ biết sản xuất theo phong trào, không quan tâm đến bán cho ai, ở đâu thì bây giờ chúng ta phải sản xuất theo mệnh lệnh của thị trường.
Các doanh nghiệp đầu chuỗi sẽ tiếp cận với thị trường, xuất khẩu, căn cứ vào các hợp đồng đã ký với các nhà nhập khẩu sau đó mới quay trở lại tổ chức sản xuất, tức là quy trình ngược lại so với trước đây. Như vậy sẽ hạn chế được tình trạng ế thừa, giải cứu sản phẩm nông nghiệp như thời gian qua.
Thưa ông, định hướng mở rộng thị trường xuất khẩu thịt lợn sẽ có tác động như thế nào đến ngành chăn nuôi lợn trong nước?
- Xuất khẩu thịt lợn là hướng đi đúng đắn, hướng đi lâu dài. Ngành chăn nuôi đã nỗ lực trong nhiều năm để hướng đến mục tiêu này. Mở rộng thị trường xuất khẩu thịt lợn sẽ có nhiều tác động tích cực đến ngành chăn nuôi lợn nói riêng và toàn ngành chăn nuôi nói chung.
Xuất phát từ chủ trương của Chính phủ trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Vì vậy, chúng ta sẽ chọn những sản phẩm nào là lợi thế của Việt Nam. Nếu ngành nông nghiệp chỉ sản xuất cung ứng trong nước thì rất đơn giản vì sức sản xuất của chúng ta hiện nay nhiều mặt hàng cung đã vượt cầu trong nước, nhưng để phát triển hơn chúng ta hướng đến xuất khẩu. Muốn xuất khẩu thì sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
An toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật là “chìa khóa” để mở rộng xuất khẩu thịt lợn. ảnh tư liệu
Thời gian tới BộNNPTNT sẽ ký với Tổng giám đốc của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) để OIE cử chuyên gia sang giúp hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng các chuỗi thực phẩm chăn nuôi đủ điều kiện xuất khẩu, cũng như cấp các chứng chỉ của OIE chứng nhận các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh cũng như toàn bộ chuỗi. Đây là cơ sở để chúng ta có thể mở rộng xuất khẩu. |
Thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi, chúng ta đã và đang tổ chức lại sản xuất theo chuỗi và truy xuất nguồn gốc sản phẩm cũng như đáp ứng được các điều kiện về an toàn thực phẩm và các điều kiện về kiểm dịch, đây là điều cốt lõi để cho sản phẩm chăn nuôi có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài và kể cả thị trường trong nước người tiêu dùng cũng đòi hỏi ngày càng cao.
Còn đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thì sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã, hướng dẫn họ để kết nối với các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn có lợi thế về kết nối thị trường để tiêu thụ hoặc tạo điều kiện để các tổ hợp tác, hợp tác xã, các doanh nghiệp nhỏ kết nối trực tiếp với thị trường không qua khâu trung gian.
Hiện nay, thông qua dự án Lifsap, Ngân hàng Thế giới đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, chúng ta cũng đã hình thành lên các chuỗi như vậy và tập trung chủ yếu vào các nông hộ.
Đồng thời cần có các cơ chế chính sách khuyến khích các tập đoàn lớn kể cả nước ngoài và trong nước đầu tư vào chăn nuôi, từ đó sẽ hình thành các chuỗi, các tập đoàn lớn như Masan, Phú Gia (Thanh Hóa), Mavin, CP, Dabaco, Vinamilk, TH True Milk, Ba Huân…
Thịt lợn của chúng ta đã xuất khẩu thành công sang thị trường Myanmar. Vậy theo ông, mấu chốt để mở rộng thị trường xuất khẩu thịt lợn là gì?
- Ngành chăn nuôi xác định con lợn vẫn là một lợi thế rất lớn, thứ 2 là gia cầm, đặc biệt là thủy cầm, động vật ăn cỏ và một số vật nuôi đặc sản khác. Tuy nhiên với cuộc cách mạng 4.0, những sản phẩm áp dụng quy trình công nghệ cao ít phụ thuộc vào thiên nhiên thì sẽ có sự thay đổi về lợi thế cạnh tranh.
Để xuất khẩu được thịt lợn cũng như các sản phẩm khác, chúng ta phải đáp ứng được các đòi hỏi về chất lượng cũng như an toàn thực phẩm. Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật là hai rào cản kỹ thuật chính của chúng ta. Đây là rào cản kỹ thuật mà các thị trường nhập khẩu đặt ra yêu cầu ngày càng cao.
Tuy nhiên, vào được thị trường nhập khẩu đã khó, việc duy trì và phát triển còn khó hơn, đòi hỏi ở khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Vì vậy, đẩy mạnh xuất khẩu thì sản phẩm chăn nuôi của chúng ta không chỉ phải vượt qua được các rào cản kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu mà cần phải không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và giảm chi phí để tăng tính cạnh tranh.
Vậy kế hoạch mở rộng thị trường cho xuất khẩu thịt lợn thời gian tới sẽ được thực hiện như thế nào thưa ông?
- Trước hết sẽ tập trung vào việc nhà nước đồng hành hỗ trợ các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn để họ tìm kiếm thị trường đồng thời trên cơ sở yêu cầu của các tập đoàn để xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với giám sát vệ sinh ATTP toàn chuỗi và có khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Hiện, Bộ NNPTNT đã thành lập 1 tổ công tác do Cục trưởng Cục Thú y làm tổ trưởng và các đơn vị liên quan để hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, hợp tác với cơ quan thú y của các nước nhập khẩu ký các thỏa thuận về kiểm dịch để mở thị trường và các thủ tục cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi ra thị trường thế giới.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Tác giả bài viết: Đình Thắng
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn