Giá heo hơi hôm nay ở miền Bắc: Ổn định
Sau khi liên tục lập đỉnh mới vào những tuần trước, giá heo hơi hôm nay 17/3 ở các tỉnh miền Bắc trong trạng thái ổn định. Tuy chưa thể giảm về mức 70.000 đồng/kg như kỳ vọng của Bộ NNPTNT nhưng cũng đã hạ nhiệt so với cách đây 2 tuần.
Theo đó, giá heo hơi tại Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Giang, Thái Nguyên, Tuyên Quang đạt từ 85.000 - 87.000 đồng/kg.
Giá heo hơi ở Yên Bái, Lào Cai, Phú Thọ, Ninh Bình đạt 83.000 đồng/kg.
Theo nhiều thương lái, hiện giá heo hơi tại Nam Định, Thái Bình vẫn đang cao nhất khu vực phía Bắc, đạt 88.000 đồng/kg.
Có thể thấy trong 10 ngày đầu tháng 3/2020, giá lợn hơi trên cả nước bật tăng trở lại, giá tăng từ 8.000 - 12.000 đồng/kg so với cuối tháng 02/2020. Tại miền Bắc giá lợn hơi dao động trong khoảng từ 83.000- 92.000 đồng/kg; tại khu vực miền Trung giao dịch trong khoảng 70.000 - 90.000 đồng/kg; tại các tỉnh thành phía Nam dao động quanh mức từ 75.000 - 85.000 đồng/kg.
Ngay sau khi ca nhiễm bệnh Covid-19 xuất hiện tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã có công văn gửi các doanh nghiệp phân phối như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích... trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố tăng cường nguồn cung hàng hóa, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, trong đó có thịt lợn.
Giá heo hơi hôm nay 17/3 ở các địa phương vẫn khá cao, chưa thể hạ về mức 70.000 đồng/kg. Ảnh: I.T
Giá heo hơi hôm nay ở miền Trung: Lặng sóng
Tương tự như miền Bắc, giá heo hơi hôm nay 17/3 ở các tỉnh miền Trung cũng trong trạng thái ổn định quanh mức 72.000 – 83.000 đồng/kg.
Theo đó, giá heo hơi tại Thanh Hóa, Nghệ An đạt bình quân 80.000 đồng/kg; trong khi giá heo hơi tại Bình thuận đạt 72.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế ổn định quanh mức 76.000 đồng/kg; giá heo hơi tại Đăk Lăk còn 74.000 đồng/kg.
Giá heo hơi hôm nay ở miền Nam: Vẫn cao
Dù yêu cầu giảm giá heo hơi xuống 70.000 đồng/kg của Bộ NNPTNT đều được các doanh nghiệp cam kết hưởng ứng nhưng giá heo hơi hôm nay 17/3 tại miền Nam vẫn rất cao, chưa thấy dấu hiệu giảm.
Tại thủ phủ chăn nuôi Đồng Nai, giá heo hơi phổ biến từ 80.000 - 82.000 đồng/kg; giá heo hơi tại TP.HCM và Bình Dương đạt 80.000 đồng/kg.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, giá heo hơi tăng lên mức 84.000 đồng/kg. Nhiều tỉnh miền Tây cũng dao động từ 78.000 - 83.000 đồng/kg. Đây chính là lý do khiến giá thịt lợn vẫn khá cao, từ 140.000 - 200.000 đồng/kg, tùy loại.
Một cửa hàng thịt tại Trung Quốc. (Ảnh: THX)
Nguồn cung thịt lợn toàn cầu giảm 10%
Trong một diễn biến khác, mới đây, ngân hàng Rabobank dự báo nguồn cung thịt lợn toàn cầu tiếp tục giảm tới 10% trong năm 2020, sau khi đàn lợn giảm kỉ lục trong năm 2019.
Sản lượng thịt lợn tại Trung Quốc đã giảm hơn 20% trong năm 2019 do dịch tả lợn châu Phi (ASF). Năm 2020, sự bùng phát của dịch Covid-19 sẽ khiến thị trường thịt biến động mạnh. Rabobank dự báo, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc sẽ giảm thêm 15 – 20% trong năm 2020. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 67%, để bù cho nguồn cung thiếu hụt trong năm 2019.
Tại Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm thúc đẩy nguồn cung như: Tăng trợ cấp để tái đàn, giải phóng kho dự trữ thịt lợn đông lạnh và tăng cường nhập khẩu thịt lợn.
Trong khi đó, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới ngành chăn nuôi gia cầm của Trung Quốc. Các biện pháp phong tỏa trong thời gian qua tại Trung Quốc dẫn đến tình trạng khan hiếm thức ăn chăn nuôi.
Cũng theo Rabobank, có 3 yếu tố ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung thịt lợn thế giới năm 2020. Thứ nhất, dịch Covid-19 là yếu tố đầu tiên làm trì hoãn việc tái đàn.
Rabobank dự báo có thể phải tới 6 tháng cuối năm 2020 đàn lợn mới phục hồi, vì đến thời điểm đó lượng nhân công và hoạt động vận chuyển gia súc mới trở lại bình thường. Các doanh nghiệp dịch vụ thực phẩm và nhà bán lẻ Trung Quốc cũng đang bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 và là nguyên nhân làm giảm nhu cầu.
Thứ hai, tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng ảnh hưởng tới nguồn cung thịt lợn, mặc dù hai bên đã đạt được thỏa thuận giai đoạn 1.
Thứ ba, dịch tả lợn châu Phi vẫn ảnh hưởng tới triển vọng ngành chăn nuôi tại khu vực châu Âu. Dịch đã lan ra ngoài biên giới phía đông Ba Lan và Đức. Mặc dù triển vọng năm 2020 lạc quan hơn so với năm 2019, nhưng dịch Covid-19 khiến các nhà sản xuất, thương nhân và nhà bán lẻ gặp khó khăn.
Theo Khánh Nguyên/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn