Giá heo tăng, tiền vào túi doanh nghiệp là chính
Theo đó, giá heo hơi tại các địa phương ở Hà Nội đạt khoảng 52.000 đồng/kg; tại Hải Phòng, Đà Nẵng mức giá là 51.000 đồng/kg, trong khi TP.Hồ Chí Minh là 50.500 đồng/kg.
Thực tế, khoảng 2 tuần trở lại đây ghi nhận giá heo hơi tại nhiều địa phương có dấu hiệu hạ nhiệt, sau một thời gian dài “phi mã”. Tại các tỉnh miền Bắc, hiện giá heo hơi đang nằm trong khoảng 45.000 – 52.000 đồng/kg; giảm từ 1.000 – 3.000 đồng/kg so với thời điểm giá đạt đỉnh. Những địa phương ghi nhận giá heo có xu hướng giảm là Hà Nội, Lào Cai, Hải Dương, Phú Thọ, Thái Bình…
Giá heo đang có xu hướng giảm nhẹ. Ảnh: I.T.
Trong khi đó, tại khu vực miền Nam giá heo dường như đang biến động không theo một quy luật nào, lúc tăng lúc giảm một cách đầy bất ngờ.
Nếu như đầu tuần trước, giá heo tại nhiều địa phương như An Giang, Bình Phước,… giảm nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg thì đến cuối tuần lại tăng nhẹ 1.000 – 2.000 đồng/kg, và ổn định ở mức 48.000 – 54.000 đồng/kg.
Khu vực miền Trung dự báo những ngày tới giá heo sẽ ổn định ở mức 48.000 – 54.000 đồng/kg, sau khi một số tỉnh như Quảng Bình, Hà Tĩnh, Khánh Hòa,… ghi nhận giá heo có lúc giảm 2.000 – 3.000 đồng/kg.
Nhiều người vẫn cho rằng, nguyên nhân giá heo giảm là vì chính sách điều chỉnh của Bộ NNPTNT cách đây vài ba tuần, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, sao giá đang đà tăng lại đòi kéo xuống. Nhưng thực tế, ngành chức năng cũng có cái lý của mình, bởi trong đợt tăng giá này, đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất, đáng tiếc không phải là nông dân mà là các doanh nghiệp, trong đó những doanh nghiệp FDI như CP, Japfa,… tha hồ “hốt bạc”.
Đại diện một doanh nghiệp FDI cũng phải thừa nhận trong cuộc họp về điều hành giá heo của Bộ NNPTNT, trong đợt tăng giá heo vừa qua, doanh nghiệp là đối tượng được hưởng lợi vì nông hộ hầu hết đã “nhà tan cửa nát” do thua lỗ; và mức giá này là “trên mức hạnh phúc” với họ. Đại diện CP cũng cho biết, họ thậm chí phải tăng tới 300% công suất bán ra.
Đây chính là lý do khiến Bộ NNPTNT yêu cầu, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn phải điều chỉnh giá xuống mức 45.000 đồng/kg đối với heo nuôi quy mô công nghiệp. Điều này đảm bảo lợi ích người nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng cũng chấp nhận được.
Người nuôi nhỏ lẻ giờ mới tái đàn
Có một thực tế có thể thấy rất rõ là, đàn heo trong nông hộ không còn nhiều. Đơn cử như tại Nhật Tân, một trong những xã có phong trào chăn nuôi mạnh nhất huyện Kim Bảng (Hà Nam), tổng đàn heo của xã còn khoảng 5.000 con, giảm 30% so với thời kỳ cao điểm giữa năm 2016. Điều đáng nói là, có đến 50% tổng đàn mới được người dân khôi phục lại. Do vậy, nhận định lợi nhuận của đợt tăng giá rơi vào tay doanh nghiệp không phải không có lý.
Liên kết xây dựng mô hình chăn nuôi hiện đại là đòi hỏi tất yếu. Ảnh: I.T.
Tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm xã Bối Cầu (Bình Lục, Hà Nam), số lượng heo thịt đưa vào cũng chỉ bằng 10 – 20% so với thời kỳ cao điểm, với số lượng 300 – 500 con, các thương lái cũng không dễ dàng mua được đủ số lượng theo yêu cầu. Lý do là bởi phần lớn heo mới được người dân nhập về nuôi khi giá có dấu hiệu tăng, giờ chưa đến giai đoạn xuất bán.
Trong khi đó, kế hoạch tái đàn của những nông hộ cá thể đang vấp phải khó khăn do giá con giống đang rất cao. Tại Tây Ninh, người dân cho biết, giá heo giống đang ở mức 150.000 đồng/kg, tương đương 1,5 triệu đồng/con, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Theo thống kê, tổng đàn heo của Tây Ninh đã giảm 20% so với năm 2016, trong khi kế hoạch khôi phục đàn đang gặp khó khăn do giá con giống tăng cao, hiện tổng đàn heo của tỉnh mới đạt 50% so với kế hoạch, tương đương 170.000 con.
Cũng cần phải nói thêm rằng, những địa chỉ đang cung cấp số lượng heo giống lớn cho người chăn nuôi tái đàn không ai khác chính là những doanh nghiệp chăn nuôi lớn như CP, Japfa. Nói cách khác, trong việc này, họ đang “lợi đơn lợi kép”.
Vì vậy, động thái yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm giá bán heo thịt và heo giống của Bộ NNPTNT có thể khiến giá heo hơi giảm nhẹ so với lúc đỉnh điểm nhưng cũng là điều cần thiết để đưa ngành chăn nuôi về giá trị thực của nó.
Rõ ràng, trong cuộc chơi này, không còn chỗ cho các nông hộ nhỏ lẻ, trong khi doanh nghiệp đang thu lợi nhuận kép khi nắm trong tay cả nguồn cung con giống và heo thương phẩm.
Thực tế này đang đặt ra cho những nông hộ nhỏ lẻ áp lực phải liên kết với nhau và với doanh nghiệp tạo thành chuỗi khép kín thì mới không bị bỏ lại trong những biến động khó lường của thị trường.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn