Nhiều “ông lớn” nhập cuộc
Mới đây, tại huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), tổ hợp sản xuất và chế biến thịt lợn theo công nghệ quốc tế Nhà máy Biển Đông DHS đã được khánh thành. Đây là nhà máy lớn nhất miền Bắc hiện nay, với quy mô 20ha, tổng giá trị đầu tư lên tới 300 tỷ đồng.
Với công suất giết mổ 300 con lợn/giờ, nhà máy Biển Đông DHS sẽ góp phần tiêu thụ sản lượng lợn khá lớn cho tỉnh Nam Định và các vùng lân cận. Ảnh: M.H
Người Trung Quốc thích ăn thịt lợn của Việt Nam Theo ông Hồ Toả Cẩm - Tham tán kinh tế thương mại Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, thịt lợn của Việt Nam rất ngon, thậm chí còn ngon hơn thịt lợn Trung Quốc nhưng do Việt Nam chưa thanh toán xong dịch bệnh lở mồm long móng nên chưa thể xuất khẩu thịt lợn sang Trung Quốc theo đường chính ngạch. Dù mới xuất khẩu tiểu ngạch nhưng trong năm 2016, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 5 triệu con lợn, tương đương 600.000 tấn, trị giá hơn 1 tỷ USD. |
Ông Vũ Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty TNHH Biển Đông DHS cho biết: "Nhà máy có dây chuyền giết mổ công suất 300 con lợn/giờ (trọng lượng lợn từ 100-150kg), được Bộ NNPTNT đánh giá là hiện đại bậc nhất cả về quy mô, công nghệ.
Theo đó, dây chuyền này sẽ cho ra sản phẩm thịt mát, được lưu trữ và phân phối trong hệ thống kho và vận chuyển lạnh từ 0 - 4 độ C trong suốt thời hạn sử dụng. Thịt lợn mát có hạn sử dụng 5 ngày và đây cũng là cách thức sản xuất, bảo quản, kinh doanh phổ biến và được chuẩn hóa trên thế giới".
Ông Nghĩa cũng cho biết, để xây dựng được nhà máy này, ông đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn, ban đầu trình bày phương án xây dựng nhà máy không ai tin. Rất nhiều ngân hàng ban đầu ủng hộ cho vay vốn nhưng cuối cùng lại từ chối vì ai cũng biết đầu tư vào nông nghiệp là rủi ro rất cao, khó thu hồi vốn.
Cuối cùng, nhờ có sự ủng hộ của Bộ NNPTNT, Ngân hàng NNPTNT và các đối tác đến từ Hà Lan (Tập đoàn De Heus), Hàn Quốc (Công ty Deawon), Công ty TNHH Biển Đông DHS đã có thể đưa nhà máy đi vào hoạt động.
Hiện, sản phẩm thịt lợn của nhà máy đã được tiêu thụ trong một số siêu thị. Tin vui là công ty đã ký kết hợp tác sản xuất thịt và chuẩn bị các bước cần thiết để xuất khẩu sang Hàn Quốc thông qua Công ty Deawon.
Để có đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy, ông Nghĩa cho biết công ty đang liên kết với một số HTX, sắp tới sẽ thúc đẩy liên kết chăn nuôi với các chủ trang trại lớn trong tỉnh và các vùng lân cận.
Trước đó, vào tháng 2.2018, Masan Nutri - Science (MNS), công ty con của Tập đoàn Masan đã khởi công tổ hợp chế biến thịt lợn với vốn đầu tư 1.000 tỉ đồng tại Khu công nghiệp Đồng Văn IV (Hà Nam). Nhà máy có công suất chế biến khoảng 1,4 triệu con lợn/năm, tương đương 140.000 tấn thịt lợn/năm, chiếm khoảng 5% trong tổng lượng thịt lợn cung ứng trên thị trường.
Công ty MNS công bố không thu mua lợn hơi mà phát triển chuỗi khép kín nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Theo đó, công ty đã xây dựng trang trại tại Nghệ An với 10.000 con lợn nái, song song với việc hợp tác với các hộ chăn nuôi lớn phát triển theo tiêu chuẩn của Masan, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong 3 năm tới. Dự kiến, cuối năm nay, thịt lợn tươi của MNS sẽ ra mắt người tiêu dùng.
Nhanh chóng có vùng an toàn dịch bệnh
Hiện nay, ngành hàng thịt lợn của Việt Nam ước tính có trị giá 18 tỷ USD và nằm trong top 10 nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Mỗi người Việt đang tiêu thụ 33,5kg thịt/năm, nhưng đến năm 2020, lượng tiêu thụ dự kiến sẽ tăng lên 39kg. Thị trường tiềm năng là vậy nhưng đến hơn 85% thị phần ngành chăn nuôi thuộc về các trang trại nhỏ, chăn nuôi không ổn định.
Đây là lý do khiến ngành này gặp nhiều khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, đặc biệt là giá thành cao hơn nhiều so với Thái Lan, Mỹ…
Trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, ngành chăn nuôi lợn của nước ta rất phát triển nhưng không ổn định, do chưa có nhiều chuỗi sản xuất theo chiều dọc. Nguyên nhân do chăn nuôi nông hộ là chính, với khoảng 3 triệu hộ nuôi lợn và gần 7 triệu hộ nuôi gà.
Để khắc phục những hạn chế trong tiêu thụ thịt lợn, trước mắt, chúng ta cần thúc đẩy thành lập chuỗi liên kết ngang giữa các hộ với nhau thành tổ hợp tác, HTX, từ đó mới liên kết với các nhà cung ứng thức ăn, giống, thuốc thú y, giết mổ, chế biến, tiêu thụ… để xây dựng thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh theo chiều dọc. Đây cũng là giải pháp hiệu quả nhất nhằm tránh những cơn “bão giá” như năm 2017.
Là đối tác của Công ty TNHH Biển Đông DHS, ông Gabor Fluit - Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus khu vực châu Á cho biết: "Ngành chăn nuôi Việt Nam đang có sự thay đổi mạnh mẽ, nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sạch, an toàn của người dân ngày càng tăng cao, đây là khó khăn song cũng là cơ hội để đẩy mạnh chuỗi thịt lợn chế biến và xuất khẩu".
"Hiện nhiều đối tác đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đang có nhu cầu nhập thịt lợn chế biến. Về giá thành và kiểm soát chất lượng, Việt Nam đã có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực, còn lại là cần xây dựng vùng an toàn dịch bệnh và việc mở cửa thị trường từ các cơ quan nhà nước” - ông Gabor Fluite đánh giá.
Theo Bộ NNPTNT, hiện nước ta đã xây dựng được hơn 180 vùng an toàn dịch bệnh, đây cũng là những vùng chăn nuôi cơ sở cho các chuỗi liên kết từ sản xuất con giống, thức ăn, quản lý chuồng trại, giết mổ, chế biến.
“Trước mắt Nhà máy Biển Đông DHS cần liên kết với các hộ xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh nhằm hướng tới xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại Nam Định. Chỉ khi có vùng an toàn dịch bệnh được Tổ chức Thú y thế giới công nhận, sản phẩm thịt lợn của chúng ta mới có cơ hội xuất khẩu rộng rãi” – Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn