Giá heo hơi hôm nay 9/3 tại miền Bắc: Quay đầu về mức bình thường
Theo ghi nhận của PV Dân Việt, sau 1 ngày giá heo hơi tại thị trường miền Bắc lên cơn "sốt" do thông tin có bệnh nhân dương tính với virus corona (Covid-19) tại Hà Nội, hiện giá heo hơi và giá thịt lợn tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố đã quay đầu giảm về tương đương với mức giá so với trước đó.
Chị Loan, tiểu thương ở chợ Xanh Văn Quán (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, ngày 7/3, thị trường bỗng dưng tăng giá vù vù do người dân đẩy mạnh lượng tiêu thụ, một số người có tâm lí tích trữ thịt lợn bỏ tủ lạnh ăn dần nhằm hạn chế ra ngoài trong bối cảnh dịch Covid-19. Tuy nhiên sang đến ngày 8/3 và ngày hôm nay, sức tiêu thụ thịt lợn đã trở lại bình thường.
"Ngày 7/3, tôi phải mua thịt lợn móc hàm tại lò mổ ở Dương Nội với giá lên tới 130.000 đồng/kg, khiến giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng buộc phải tăng lên khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg mới không bị lỗ. Ví dụ như thịt ba chỉ, nạc vai, mông sấn giá khoảng 150.000 đồng/kg, thịt nạc thăn (bỏ mỡ) giá 180.000 đồng/kg; sườn non 200.000 đồng/kg", chị Loan nói.
Giá heo hơi hôm nay 9/3 thị trường miền Bắc đã quay trở lại bình thường sau 1 ngày sốt giá do ảnh hưởng của dịch Covid-19; tuy nhiên giá heo hơi tại các tỉnh miền Trung, miền Nam vẫn rục rịch tăng. Ảnh minh hoạ: TL
Anh Trung, một chủ trang trại đang nuôi 600 con lợn thịt ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho biết, giá lợn hơi hôm nay tại địa phương dao động từ 85.000 - 86.000 đồng/kg, trong khi trước đó 1 ngày, giá lợn hơi nhảy vọt lên 90.000 - 95.000 đồng/kg do người dân tranh nhau mua vì lo sợ dịch virus corona (Covid-19).
Với các giải pháp kìm giá và đẩy mạnh tuyên truyền của cơ quan nhà nước, hôm nay tình hình tiêu thụ thực phẩm tại hầu hết chợ đầu mối và chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội đã bình thường trở lại.
Trước đó, tại cuộc họp nhằm đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu trên thị trường trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tránh tâm lý hoang mang lo sợ dẫn đến tình trạng người dân đổ xô đi mua hàng hóa tích trữ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh yêu cầu các đơn vị chức năng phối hợp với các sở, ngành địa phương và doanh nghiệp đảm bảo liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến cung ứng. Không chỉ đảm bảo mục tiêu kép mà Chính phủ đề ra là bình ổn cung cầu hàng hóa gắn với ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát mà còn phải đặt mục tiêu đảm bảo chất lượng hàng hóa, chống đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại…
Người đứng đầu Bộ Công Thương cũng yêu cầu phải quan tâm đến phương thức cung ứng hàng hóa an toàn như phát triển kênh bán hàng qua thương mại điện tử, tránh tụ tập đông người dễ lây lan dịch bệnh.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: "Yêu cầu của Thủ tướng và Chính phủ là phải đóng góp thực sự có hiệu quả và thực chất cho CPI và quản lý CPI. Câu chuyện giá thịt lợn vừa rồi đã là một vấn đề và Bộ còn đang nợ Chính phủ về câu chuyện đó. Vì vậy phải xác định rõ mục tiêu kép trong việc điều hành, phục vụ cân đối cung cầu và bình ổn thị trường".
Giá heo hơi tại miền Trung: Giá heo tăng nhưng chợ ế ẩm
Theo chị Trần Khánh Huyền, một chủ trại ở Nha Trang (Khánh Hoà), giá heo hơi trên địa bàn hiện đang dao động từ 80.000 - 81.000 đồng/kg, tăng cả chục giá so với trước đó. "Mặc dù giá heo hơi tăng cao nhưng người chăn nuôi chúng tôi lại thấy lo lắng thêm, do giá cao quá thì người dân sẽ ăn ít lại. Tại chợ, nhiều sạp bán thịt cũng ế ẩm, bán chậm hẳn lại do giá thịt heo cao quá, nhiều người quay sang ăn thịt gà, vịt, cá tôm...".
Giá heo hơi miền Nam: Đồng loạt tăng, dịch tả heo châu Phi vẫn uy hiếp người chăn nuôi
Theo ghi nhận, giá heo hơi hôm nay 9/3 vẫn tiếp đà tăng ở nhiều tỉnh phía Nam. Cụ thể, tại An Giang giá heo hơi đã đạt 85.000 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cần Thơ, giá heo hơi đạt 80.000 đồng/kg; tương tự, tại Đồng Nai, giá heo hơi chạm mốc 80.000 đồng/kg.
Các địa phương khác như Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, TP.HCM, Trà Vình, Kiên Giang dao động trong khoảng 74.000 - 78.000 đồng/kg.
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau đã có công văn gửi Bộ Tài chính đề nghị xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Trước tình hình lan nhanh của dịch tả lợn châu Phi, các địa phương và ngành chức năng Cà Mau đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn lây lan trên địa bàn.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải đề nghị các Sở, ngành thông tin, tuyên truyền đầy đủ, trung thực, cân nhắc để không gây lo lắng quá nhiều về tình hình dịch bệnh, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Đặc biệt, tăng cường công tác giám sát, kiểm soát, không để vứt xác động vật, xác lợn chết ra ngoài gây ô nhiễm môi trường và lây lan dịch bệnh. Hướng dẫn, tuyên truyền các hộ chăn nuôi trong vùng dịch ký cam kết không nuôi mới và tái đàn trong thời gian có dịch, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định về phòng, chống dịch bệnh và không được hỗ trợ khi buộc phải tiêu hủy.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn