Theo khảo sát của phóng viên Dân Việt, giá heo hơi hôm nay 17.11 tại 3 miền vẫn giữ ở mức khoảng từ 27.000 đồng đến 29.000 đồng/kg (Ảnh: Hiện, trang trại chăn nuôi của HTX Chăn nuôi Hoàng Long tại huyện Thanh Oai (Hà Nội) đã được cấp chứng nhận chăn nuôi theo quy trình VietGAP. Ảnh: Hải Đăng).
Giá lợn hơi (heo hơi) hôm nay vẫn chững, nhiều nông hộ phải ngừng nuôi lợn
Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hiện nay tình hình chăn nuôi lợn trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do giá lợn hơi (heo hơi) vẫn đang ở mức thấp. Cụ thể, giá lợn hơi (heo hơi) trong những ngày gần đây không có sự đột biến và đang giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg so với hồi tháng 9.
Giá lợn hơi tại miền Bắc hiện phổ biến trong khoảng 26.000 - 29.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên, giá lợn hơi cũng giảm 1.000 - 3.000 đồng/kg so với tháng 9, hiện dao động từ 28.000 – 29.000 đồng/kg. Tương tự, tại miền Nam, nhu cầu tiêu thụ thịt heo hiện đã tăng lên sau vụ tiêm thuốc an thần tại lò mổ Xuyên Á (TP Hồ Chí Minh), tuy nhiên giá heo hơi tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An… cũng chỉ duy trì từ 27.000 – 29.000 đồng/kg.
Với mức giá này, theo tính toán của một số nông dân, người nuôi vẫn đang bị lỗ. Trong khi đó, các chi phí chăn nuôi như thức ăn, thuốc kháng sinh, vaccine không giảm khiến người chăn nuôi lợn càng thêm khó khăn.
Đây cũng là lý do chính khiến nhiều hộ nhỏ lẻ chưa dám tài đàn. Dù hiện nay đang sắp hết năm 2017, dự báo nhu cầu thịt lợn dịp tết sẽ tăng lên nhưng theo khảo sát, chỉ có các trang trại lớn, doanh nghiệp là vẫn duy trì chăn nuôi bình thường. Còn phần lớn các gia trại, trang trại vừa nuôi vừa nghe ngóng và có xu hướng giảm quy mô đàn. Còn theo Cục Chăn nuôi, đàn lợn cả nước ước tính đến tháng 10 đã giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2016.
Theo ước tính của Cục Chăn nuôi, sau đợt khủng hoảng giá lợn, cả nước đã có gần 900.000 nông hộ ngừng nuôi lợn và hiện nay, giá lợn hơi (heo hơi) vẫn ở mức thấp, chưa giúp bà con thoát cảnh thua lỗ. Ảnh: I.T
Theo lý giải của Bộ NN&PTNT, ngành chăn nuôi lợn cả nước vẫn chưa hết bế tắc vì chưa thể khai thông được các thị trường xuất khẩu lớn, điển hình như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Nguyên nhân là do đến nay, chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu vẫn ở quy mô nhỏ lẻ nên chưa đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết: Mặc dù tính đến hết tháng 10, cả nước không phát hiện dịch bệnh lở mồm long móng, nhưng thực tế là hiện nay Việt Nam vẫn chưa có vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh nào được Tổ chức Thú y thế giới công nhận, vì vậy "cánh cửa" xuất khẩu thịt lợn chính ngạch sang nước ngoài của chúng ta vẫn chưa có tiến triển mới.
"Hiện nay, ngành chức năng vẫn đang tiếp tục nỗ lực đàm phán, hoàn tất các thủ tục về thú y, hải quan cũng như khẩn trương xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh... để có thể đưa lợn đi xuất khẩu chính ngạch trong thời gian sớm nhất, đặc biệt là thị trường Trung Quốc" - Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
Trung Quốc đang giảm nhập khẩu thịt lợn
Theo Hãng nghiên cứu toàn cầu (IBC), trong năm 2016, Việt Nam xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc gần 12 triệu con lợn (33.000 con/ngày). Nhưng dự kiến năm 2017, con số này chỉ còn khoảng 2,4 triệu con, tức là giảm tới 80% so với năm ngoái.
Tình hình xuất khẩu tiểu ngạch cũng như chính ngạch sang thị trường này cho đến hết năm nay cũng sẽ không mấy khả quan khi Trung Quốc vẫn tiếp tục giảm nhập khẩu trong những tháng gần đây. Hiện, mỗi năm Trung Quốc sản xuất khoảng 55 triệu tấn thịt lợn, chiếm một nửa nguồn cung thịt lợn toàn cầu.
Việc đàm phán xuất khẩu lợn (heo) chính ngạch sang Trung Quốc đến nay vẫn chưa có bước đột phá mới, do sản xuất thịt lợn ở nước này vẫn tăng khoảng 2%. Ảnh minh hoạ
Theo báo cáo quý 4/2017 của ngân hàng Rabobank, nguồn cung thịt lợn toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng, chủ yếu tập trung tại Trung Quốc, Mỹ, Canada và Brazil. Trong đó, mặc dù cấu trúc ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc đang chịu tác động mạnh của việc thi hành chính sách môi trường ngặt nghèo, tuy nhiên Rabobank cũng dự báo sản xuất thịt lợn năm 2017 của Trung Quốc vẫn sẽ tăng 2%.
Giá thịt lợn tại thị trường này sẽ tiếp tục khuynh hướng giảm, sau khi liên tục duy trì ở mức cao trong những tháng mùa hè. Ước tính nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc giảm 27% trong 8 tháng đầu năm 2017, nhưng có thể sẽ phục hồi trong quý 4/2017 do nhu cầu cuối năm tăng cao hơn.
Nhu cầu nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng tới thị trường thịt lợn toàn cầu trong suốt 1 – 2 năm qua, và khuynh hướng giá đảo ngược cũng bắt nguồn từ diễn biến trên.
Theo Minh Huệ (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn