Không tái đàn, nông dân biết làm gì?
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 28.532 hộ chăn nuôi (chiếm 35,3% tổng số hộ, cơ sở chăn nuôi); làm mắc bệnh và tiêu hủy 496.553 con lợn (chiếm 26,5% tổng đàn), với trọng lượng 34.151 tấn. Có những ngày dịch cao điểm, Hà Nội phải tiêu hủy tới 10.000 con lợn, thiệt hại kinh tế vô cùng lớn.
Bà Nguyễn Thị Bình, chủ trang trại lợn ở Ninh Bình mòn mỏi chờ hỗ trợ để tái đàn. Ảnh: Trần Quang
Khoảng từ đầu tháng 7/2019 đến nay, số lượng lợn mắc bệnh và tiêu hủy trên địa bàn thành phố giảm hẳn (hiện còn khoảng 300-800 con lợn bị mắc bệnh/ngày); mật độ chăn nuôi lợn tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã giảm; người chăn nuôi đã nâng cao cảnh giác với bệnh dịch, áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp phòng bệnh hiệu quả hơn...
Nhận thấy DTLCP có dấu hiệu giảm, nhất là giá lợn hơi đang tăng nhanh và ở mức cao, đạt khoảng 44.000 - 45.000 đồng nên người chăn nuôi đang có xu hướng tái đàn, với hy vọng sẽ "đón giá" tăng mạnh vào dịp cuối năm 2019.
Anh Cường - chủ trang trại ở xã Cẩm Lĩnh (huyện Ba Vì, Hà Nội), đang liên kết với Công ty chăn nuôi C.P nuôi 2.400 con lợn thịt, cho biết, anh đang muốn thuê thêm trang trại có diện tích khoảng 1ha để mở rộng quy mô chăn nuôi lợn. Sau một thời gian nuôi gia công cho doanh nghiệp, anh đã nắm vững kỹ thuật chăn nuôi và nhận thấy đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng nên đã quyết định tái đàn, dù bệnh DTLCP vẫn đang rình rập.
Anh Cường nói: "Trên địa bàn xã hiện chưa xuất hiện ổ DTLCP, thêm vào đó tôi chăn nuôi gia công cho C.P nên được công ty đầu tư con giống, thức ăn, tư vấn kỹ thuật chăm sóc đầy đủ và bài bản. Tôi quyết định đầu tư thêm hơn 1 tỷ đồng để thuê trại mới nhằm phục vụ nhu cầu thị trường thịt lợn dịp Tết Nguyên đán".
Thực tế, chăn nuôi lợn vẫn được xem là nghề truyền thống, phổ biến ở nhiều vùng nông thôn. Trước đây, hầu như gia đình nào ở nông thôn, miền núi cũng nuôi vài con lợn, con gà, vịt... Sau quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong khu dân cư giảm dần, nhưng chăn nuôi lợn vẫn được xem là nghề chính, đem lại thu nhập cao cho nhiều nông hộ, trang trại. Chính vì thế, dù có gia đình bị thiệt hại nặng nề, thậm chí sạt nghiệp vì DTLCP song họ vẫn nghe ngóng, chờ có cơ hội là tái đàn.
Trang trại chăn nuôi xa khu dân cư của HTX Chăn nuôi Ngũ Châu, xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Bá Hoạt
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Theo quy định, đối với các hộ chăn nuôi nằm trong vùng xảy ra bệnh DTLCP, sau 30 ngày không phát sinh dịch mới được tái đàn, nhưng phải khai báo và được chính quyền địa phương đồng ý và hướng dẫn mới được thực hiện. |
Bà Đỗ Thị Duyên ở xã Lô Giang, huyện Đông Hưng (Thái Bình) cho biết, từ ngày đàn lợn bị tiêu hủy vì nhiễm DTLCP, gia đình bà thực sự trắng tay. Bà Duyên liên tục gọi điện thoại cho cán bộ thú y xã, huyện để hỏi về tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn dịch.
"Giờ chuồng trại tan hoang, chủ nợ cứ gọi đòi tiền liên tục mà chúng tôi không biết lấy đâu để trả. Chăn nuôi lợn là nghề chính của gia đình nên chúng tôi rất mong sớm có tiền hỗ trợ để tái đàn. Ở nông thôn, không nuôi lợn, nuôi gà thì chúng tôi biết làm gì để sống?" - bà Duyên ngậm ngùi nói.
Không vội tái đàn ở nơi có dịch
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) nhận định: Với kịch bản người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ thịt lợn bình thường trở lại trong thời gian tới, chúng tôi đánh giá nguồn cung thịt lợn trên thị trường sẽ ở trạng thái thiếu hụt.
Nguyên nhân là do từ cuối năm 2018 đến nay, ngành chăn nuôi lợn đã liên tục xảy ra dịch bệnh kéo dài, từ dịch lở mồm long móng cuối năm 2018, đến đầu năm 2019 thì xảy ra DTLCP. Điều này khiến một lượng lớn các cơ sở chăn nuôi một phần bị thiệt hại, một phần phải ngừng vào đàn.
“Chúng tôi dự báo có thể bắt đầu từ quý II, đặc biệt là từ quý III, quý IV/2019, nguồn cung thịt lợn có thể sẽ còn bị giảm sút mạnh hơn nữa” - ông Dương nói.
Tại Hà Nội, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: "Thành phố đã yêu cầu hạn chế việc chăn nuôi lợn trong khu dân cư, đặc biệt là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không đáp ứng điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, không bảo đảm quy định về môi trường, phòng chống dịch bệnh... Bên cạnh đó, thành phố chỉ đạo các địa phương không tái đàn ở những cơ sở chăn nuôi đã bị bệnh DTLCP khi bệnh dịch chưa được khống chế hoàn toàn. Nếu các cơ sở chăn nuôi cố tình tái đàn sẽ xử lý theo quy định của pháp luật, khi xảy ra bệnh dịch phải tiêu hủy lợn sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Nhà nước".
Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Giang - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh nhận định, thị trường lợn hơi đang tăng giá, bà con bán lợn có lãi nên ai cũng phấn khởi, mong muốn tái đàn để bù lỗ do giá giảm mạnh mấy tháng qua. Thêm vào đó, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn của tỉnh khoảng 170 tấn thịt hơi/ngày, trong khi chăn nuôi của tỉnh chỉ đáp ứng được 65% nhu cầu.
Ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang khuyến cáo các hộ chăn nuôi hết sức bình tĩnh, không nên vào đàn ồ ạt, bởi ít nhất phải sau 4-5 tháng nữa mới có lợn xuất chuồng. Trong khi đó thị trường luôn diễn biến thất thường, không theo quy luật, và cũng không ai dám chắc giá lợn hơi sẽ còn duy trì mức hơn 50.000 đồng/kg...
Theo Minh Huệ/ Dân Việt
http://danviet.vn/nha-nong/gia-lon-hoi-tang-nguoi-dan-lieu-tai-dan-don-tet-bat-chap-dich-ta-1006138.html
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn