Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh tại buổi họp bàn với 12 doanh nghiệp, tập đoàn lớn hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi và một số địa phương vùng trọng điểm chăn nuôi trên cả nước về các giải pháp ổn định thị trường và phát triển bền vững ngành chăn nuôi lợn.
Đại diện Công ty thực phẩm Nam Hà Nội - giảm giá bán lợn là mong muốn của DN. Ảnh: Đình Thắng
Từ tháng 4.2018, ngành chăn nuôi bắt đầu hồi phục sau "khủng hoảng thừa và bão giá" năm 2017, người chăn nuôi tái đàn mạnh vì vậy từ nay đến cuối năm sẽ không thiếu nguồn cung thịt lợn.
Hầu hết ý kiến đều đồng tình với nhận định là cần phải bình ổn giá cả và cung cầu trên thị trường. Cùng bình ổn thị trường trên cơ sở các bên cùng có lợi, chính là giúp mình, giúp bản thân doanh nghiệp. Một số ý kiến cho rằng, với mức giá 51.000 - 52.000 đồng/kg thịt lợn hiện nay là quá cao so với giá thành sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, chi phí 1kg thịt lợn hiện nay chỉ khoảng 35.000 - 36.000 đồng/kg, mức giá bán ra hiện nay là lãi rất cao. Nếu để giá thịt lợn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới, thị trường sẽ bất ổn và ngành chăn nuôi lợn sẽ gặp nhiều rủi ro.
Đại diện Tập đoàn chăn nuôi Dabaco cam kết giảm giá lợn hơi. Ảnh: Đình Thắng
Trao đổi với các doanh nghiệp (DN), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Chưa năm nào chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn được mùa như năm nay. Từ tháng 4/2017 đàn lợn xuống giá đến đáy, chúng ta đã thắt lưng buộc bụng, DN đã giảm giá cám để chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi. Đến bây giờ giá cả tăng, tất cả phục hồi, giá đang ở mức quá được.
Vì vậy nếu không bàn ngay các giải pháp ổn định thị trường lúc này thì tốc độ tăng sẽ không bền vững, sản phẩm thịt lợn bên ngoài tràn vào bằng các ngả đường thì chúng ta mất thị trường, làm sao cạnh tranh lành mạnh được, lúc đó nguy cơ dịch bệnh sẽ rất cao. Nếu để điều đó xảy ra thì ngành thịt lợn sẽ lâm vào tình thế khó khăn”.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, điều quan trọng nhất là chúng ta phải giữ được thị trường gần 100 triệu dân, phải làm sao để tất cả phải thắng, đồng thời phải phấn đấu vươn ra thị trường 7 tỷ dân.
Đồng tình với quan điểm đó, các DN lớn cho rằng cần bắt tay để điều chỉnh lại giá lợn về mức phù hợp nhất để người sản xuất cũng có lợi nhuân và người tiêu dùng cũng được hưởng lợi ích.
Ông Kiều Minh Lực, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần chăn nuôi CP chia sẻ: “Làm thế nào để giữ được giá thịt lợn hơi dưới 50.000 đồng/kg, phía DN luôn sẵn sàng hợp tác để duy trì ổn định giá cả về mặt thị trường. Đó cũng là mong muốn của DN, vì nếu ổn định được thì mới bền vững lâu dài".
Đại diện HTX Xuân Phú cảnh báo, giá thịt heo đang ở mức cao, nếu giá vẫn cao như thế người ta sẽ nhập thịt lợn vào để làm nguyên liệu sản xuất, thay vì sử dụng thịt lợn trong nước. Các DN làm sao cho giá thấp xuống phù hợp. Giá lợn nếu không kiềm chế được sẽ lên 55.000 – 56.000 đồng/kg. Giá lợn nên duy trì ở mức 40.000 – 45.000 đồng/kg sẽ duy trì bền vững, tất cả đều thắng.
Ông Đỗ Hoàng Long, Trưởng ngành lợn thương mại và phát triển dự án, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam đề xuất: “Để có thể bình ổn giá lợn ngay bây giờ, chúng ta không thể tăng sản lượng bằng cách tăng đầu lợn để giảm giá, nhưng chúng ta có thể tăng sản lượng bằng cách tăng trọng lượng lợn lên, từ 110 lên 120kg/con.
Cũng theo ông Long, để làm tốt công tác thị trường chúng ta phải làm tốt công tác khai báo đăng ký đàn lợn, chúng làm tốt khai báo thì mới làm tốt công tác cảnh báo thị trường. Cầm làm tốt đăng ký, thống kê đàn lợn, bên cạnh đó cần kiểm soát tốt đàn lợn nuôi tự phát.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, nếu không kiềm chế giá thịt lợn hiện nay xuống mức hợp lý chính chúng ta sẽ đánh mất thị trường. Giá bán do thị trường quyết định nhưng vấn đề ở đây là làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các thành tố trong chuỗi gồm: người tiêu dùng, người chăn nuôi, DN và nhất là giữ được thị trường phát triển lâu dài và bền vững.
Chính vì vậy, Bộ trưởng đề nghị giá thành sản xuất ở mức 35.000 đồng/kg và giá bán 45.000 đồng/kg là lớn nhất đối với lợn công nghiệp. Với giá thành giá bán đó đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất và đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng đưa ra 4 đề nghị đề nghị, thứ nhất, các DN phấn đấu sản xuất giống phải hạ giá. Thứ hai, phải hạ giá cám. Thứ ba, DN phải hạ giá thành lợn thương phẩm. Thứ tư, khâu chế biến phải hạ giá thành.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng yêu cầu các tỉnh tập trung các biện pháp vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, giám sát chặt chẽ để không phát sinh dịch bệnh.
Tác giả bài viết: Theo Đình Thăng (Báo Dân Việt)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn