Giá mủ cao su cách đây 1 tháng là 60 triệu đồng/tấn, nay giảm còn 33 - 34 triệu đồng/tấn
Vì vậy, khi giá mủ giảm đột ngột thì doanh nghiệp và nhà vườn cùng chới với như nhau. Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, PCT UBND xã Định Hòa cho biết, từ quí 4/2016 đến tháng 5/2017, giá mủ cao su tăng mạnh nên nhiều hộ dân rất phấn khởi, có thời điểm cách đây hơn 1 tháng, đại lý thu mua giá 425 đồng/độ (tương đương khoảng 60 triệu đồng/tấn mủ), nhưng đến ngày 30/5 còn 310 đồng/độ, sau đó giảm dần đến nay là 270 đồng/độ (tương đương giá mủ khoảng 33 - 34 triệu đồng/tấn).
Đáng nói là, trong khi giá mủ giảm thì giá vật tư, dụng cụ, trang thiết bị, công lao động phục vụ cho việc thu hoạch (cạo) mủ lại tăng 15 - 20% so với năm ngoái. Đặc biệt đối với chén hứng mủ (loại chén sành) tăng đến 300 - 400%. Cụ thể, năm trước giá chén chỉ có 1.600 - 2.000 đồng/cái tùy loại; năm nay cũng loại chén tương tự nhưng giá tăng đến 4.000 - 5.000 đồng/cái, từ tháng 5 đến tháng 6 lên tới 6.000 - 7.500 đồng/cái nhưng cũng không đủ bán, khách hàng phải đặt trước từ 4 - 6 ngày.
Theo tìm hiểu chúng tôi, nguyên nhân giá chén tăng đột biến là do năm nay Lào, Campuchia đồng loạt khai thác mủ nên cần lượng chén rất lớn từ phía Việt Nam xuất khẩu sang. Mặt khác, hiện có rất nhiều lò sản xuất chén ở Bình Dương đóng cửa do ô nhiễm môi trường, chỉ còn lại rất ít lò đang hoạt động. Hơn nữa, do giá mủ cuối năm 2016 tăng cao hơn các năm trước, nên nhiều người nghĩ rằng giá mủ cao su năm 2017 vẫn giữ được ổn định, vì vậy đã đẩy giá vật tư, công lao động tăng theo.
Ông Trần Văn Tám mới đưa 4,7ha cao su ở ấp 1, xã Định Nghĩa vào thu hoạch năm nay cho biết, gia đình đã phải trang bị toàn bộ số lượng chén với chi phí tăng chênh lệch khoảng 10 triệu đồng.
Theo ông Tám, những vườn cây đủ tuổi vừa đưa vào khai thác nên sản lượng còn thấp (từ 0,7 đến 0,9 tạ/ha - PV), người trồng phải đầu tư tô, máng, màng chắn và tiền thuê lao động giỏi mở miệng cạo đầu tiên. Với giá mủ tháng 5 là 425 đồng/độ thì hòa vốn do khấu hao cao, nhưng với giá lúc này cầm chắc lỗ. "Năm nay đặc biệt mưa nhiều nên ít mủ, ban đầu tôi cạo D2 (một ngày nghỉ một ngày cạo), nhưng sau ngày 20/6 thì tôi chuyển qua cạo D3 (2 ngày nghỉ, 1 ngày cạo) để tiết kiệm phân bón và giảm công lao động cạo", ông Tám nói.
Tuy nhiên, đối với diện tích cao su đã cho thu hoạch nhiều năm, theo tính toán vẫn có lãi khoảng 2 - 3 triệu đồng/ha/tháng. Theo đó, 1ha cao su trồng giống tốt, chăm sóc, khai thác theo đúng quy trình kỹ thuật, mỗi lần cạo thu được 60kg mủ nước, giá bán hiện nay 270 đồng/độ, tức khoảng 8.000 đồng/kg, trừ tiền công cạo 200 ngàn đồng, nông dân vẫn còn thu lãi 350 ngàn đồng, tính chi phí đầu tư phân bón, thuốc BVTV khoảng 30% thì lãi ròng là 250 ngàn đồng, tức 1ha lãi khoảng 2 - 3 triệu đồng/tháng.
“Ở địa phương, các hộ có diện tích nhỏ lẻ 1 - 3ha cao su đang lo vì thu nhập giảm mạnh, như hiện nay trồng 3ha chỉ cho tổng thu nhập có 6 triệu đồng/tháng. Họ cũng có lo vì không biết giá cao su sắp tới thế nào. Hiện nay, nhờ năng suất, sản lượng vườn cây tăng bình quân 30%/năm theo năm tuổi, các nhà vườn cũng áp dụng chế độ cạo D3 nên giảm phần nào chi phí nhân công mà sản lượng mủ cũng tăng”, ông Nghĩa, Chủ tịch xã Định Hòa nói.
Ông Trương Văn Được, Giám đốc Cty Trường Mạnh Phát (xã An Điền, huyện Bến Cát), một doanh nghiệp chuyên thu mua cao su tiểu điền về chế biến thành mủ cốm xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc cho biết, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ phía Trung Quốc thấp (thị trường này chiếm khoảng 50% sản lượng xuất khẩu cao su của Việt Nam - PV), trong khi nguồn cung bắt đầu tăng mạnh, ngày càng nhiều hơn, do thời vụ thu hoạch mủ cao su cả quốc doanh và tiểu điền đã bước vào cao điểm.
Thực tế cho thấy, sản lượng mủ cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cả năm chưa đến 300 ngàn tấn, trong khi sản lượng mủ ở ngoài dân lại gấp đôi, nên hiện nay đang có tình trạng nhiều nhà máy chế biến tư nhân lợi dụng tình hình giá mủ thấp để ép các nhà vườn trong thời điểm tiêu thụ mủ khó khăn. Mặt khác, lúc giá tăng lên thì các doanh nghiệp thương mại tranh mua, tranh bán để kiếm "khúc giữa", đến lúc giá xuống thì ai cũng ngại không dám mua vì càng "ôm" càng lỗ. Bởi chỉ qua 1 tuần, giá mủ cao su chỉ cần giảm 2.000.000 đồng/tấn mà "ôm" 1.000 tấn là đã thấy mất 2 tỷ đồng!
Các nhà vườn đưa diện tích mới vào thu hoạch không chỉ gặp giá mủ xuống thấp mà vật tư phục vụ cho việc cạo mủ lại tăng cao
Còn đối với doanh nghiệp trồng cao su, dù giá mủ đang là 33 triệu đồng, ngang bằng với mức giá trung bình của 6 tháng đầu năm 2015, nhưng với kịch bản xây dựng giá thành của Tập đoàn cao su là 30 triệu đồng/tấn thì vẫn có thể thu lãi vài triệu đồng/tấn.
Tuy nhiên, đối với công ty cao su có diện tích bé, khoảng 5.000ha, năng suất bình quân thấp từ 1 - 1,5 tấn/ha, trong khi các chi phí đầu tư chăm sóc như điện, hóa chất, lương công nhân... lại cao nên việc xây dựng giá thành sản xuất 29 - 30 triệu đồng/tấn là cực khó. Đơn cử là Cty CP Cao su Hòa Bình.
Ông Võ Bảo, TGĐ Cty cho hay, đơn vị hiện có 1.500ha cao su khai thác, còn lại 3.500ha đang tập trung chăm sóc, năng suất vườn cây do nhiều yếu tố khách quan lịch sử để lại nên đạt thấp, bình quân chỉ đạt trên dưới 1 tấn/ha, không cao bằng như một số công ty khu vực miền Đông như Phước Hòa, Đồng Nai, Phú Riềng, Đồng Phú... đạt từ 2 tấn/ha.
Thế nhưng, tháng 5 năm nay, Cty ông tự hào là một trong những đơn vị trong ngành bán mủ có giá cao nhất, đạt trên 55 triệu đồng/tấn. "Tuy nhiên hiện giá xuống còn 33 - 34 triệu đồng/tấn, chúng tôi rất đau đầu. Sản lượng mủ cả năm đạt chưa tới 2.000 tấn, trong khi hợp đồng dài hạn thì các đơn vị nước ngoài họ chỉ ký 6 tháng vì giá cao su chưa thật sự ổn định. Thế nên, gặp lúc giá thấp như hiện nay, trên Tập đoàn đưa giá sàn SVR 3L (chủng loại phổ biến nhất) phải bán là gần 35 triệu đồng/tấn, trong khi giá ngoài thị trường chỉ có 33 triệu đồng. Vì vậy, đơn vị còn tồn mấy chục tấn mủ muốn bán để giải phóng hàng cũng không dám vì bán dưới mức giá sàn của Tập đoàn qui định là vi phạm", ông Bảo chia sẻ.
Nông nghiệp Việt Nam
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn