Giá nông sản hôm nay (7.7), dự báo giá cà phê nội địa sẽ trên mức 46.000 đồng/kg. Ảnh minh họa
Giá cà phê robusta liệu có triển vọng tăng lên 2.200 USD/tấn?
Trên thị trường cà phê trong nước ngày 6.7, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tiếp tục tăng nhẹ 200 đồng/kg, theo đó giá thương nhân giao dịch ở mức 45.500 – 46.100 đồng/kg. Mức giá từ 46.000 - 46.100 đồng/kg ghi nhận được ở các tỉnh Đăk Nông, Gia Lai, Đăk Lăk.
Dự báo xu hướng này sẽ còn kéo dài bởi lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong 3 tháng cuối niên vụ 2016/2017 không còn nhiều. Đáng chú ý là lượng cà phê tồn chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp FDI, còn hầu hết nông dân đã ký gửi cho các đại lý từ lâu. "Nông dân Việt Nam hầu như không ai còn cà phê để mà bán, dù giá có tăng lên mức 50.000 đồng/kg thì cũng chỉ nghe để biết và tiếc nuối" - một thương nhân cho biết.
Tại cảng TP.Hồ Chí Minh, giá cà phê nhân xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục tăng giá theo giá kỳ hạn trên sàn ICE London, với giá hợp đồng giao tháng 9 chốt phiên hôm qua (6/7) ở mức 2.087 USD/tấn, tăng thêm 8 USD/tấn.
Giá cà phê nhân xô tham khảo tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 6.7. Nguồn: tintaynguyen.com
Trên sàn giao dịch thế giới, giá cà phê arabica tại New York đóng cửa ở mức 130 cent/lb, tăng 2.30 cent/lb so với ngày 5.7. Theo nhận định của giới giao dịch, giá arabica gần đây liên tiếp tăng mạnh vì làn sóng bán khống trên thị trường sau một thời gian mạnh tay mua vị thế ngắn hạn. Số liệu ghi nhận được vào cuối tuần trước cho thấy, tổng vị thế ngắn hạn đối với arabica đang ở mức cao kỷ lục, dù có thông tin cho rằng niên vụ 2017 – 2018 sẽ thâm hụt loại cà phê arabica.
Tuy nhiên, trên sàn London ngày hôm qua đã cho thấy đà tăng chậm lại, chốt phiên đạt mức 2.150 USD/tấn kỳ hạn tháng 9.2017. Giá chỉ nhích nhẹ khi mở cửa và thậm chí trong phiên có lúc đi ngược lại theo chiều giảm nên một số nhà phân tích dự báo rằng giá nông sản hôm nay 7.7, cà phê robusta rất khó bứt phá lên ngưỡng 2.200 USD/tấn, thậm chí có thể xoay chiều giảm nhẹ.
Giá hồ tiêu nhích nhẹ
Trong ngày hôm qua, giá hồ tiêu tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tăng thêm 1.000 đồng/kg, giao dịch ở mức 79.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá hồ tiêu tại các vùng trọng điểm của Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Nông, Đăk Lăk vẫn giữ nguyên mức giá suốt từ phiên cuối tuần trước đến nay, tức dao động trong khoảng 76.000 - 78.000 đồng/kg.
Ở một số vùng trồng tiêu như Phú Yên - nơi có hơn 400ha tiêu, bà con nông dân đang gặp nhiều khó khăn do tiền thuê một ngày công hái tiêu không dưới 120.000 đồng/người, trong khi hạt tiêu khô tại đây giá chỉ trong khoảng 82.000 đồng/kg, bằng 1/3 so với vụ năm 2015. Chính vì thế, các nhà vườn trồng tiêu chỉ dám thuê một ít công lao động, bởi nếu thuê nhiều công thì không có tiền để trả.
Giá hạt tiêu tham khảo tại thị trường nội địa ngày 6.7. Nguồn: tintaynguyen.com
Trong khi đó, tại thị trường Ấn Độ, giá hồ tiêu đã tăng nhẹ thêm 100 rupee/tạ trong ngày 6.7. Theo đó, giá tiêu giao ngay trên sàn Kochi ở mức 49.100 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 51.100 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Thị trường giao dịch mức trung bình với khoảng 10 tấn tiêu được giao dịch.
Với xu hướng này, các thương nhân dự báo giá hạt tiêu tại thị trường trong nước ngày hôm nay rất khó tăng trên mức 80.000 đồng/kg. Đặc biệt là khi Campuchia - đất nước mới tham gia thị trường hồ tiêu thế giới với những lô hạt tiêu được trồng tự nhiên, ít thâm canh cũng đang gặp khó vì giá bán giảm mạnh. Theo tờ The Phnom Penh Post, hiện giá tiêu đen tại thị trường Campuchia đã giảm xuống còn 3,5 USD/g, thấp hơn mức đỉnh vào năm 2014 là 10,5 USD/kg.
Philippines sẽ mở thầu nhập khẩu 250.000 tấn gạo
Bốc xếp gạo xuất khẩu tại cảng Sài Gòn. Ảnh minh hoạ
Cơ quan thu mua ngũ cốc quốc gia Philippines hôm qua đã cho biết sẽ mở thầu quốc tế để mua 250.000 tấn gạo trắng hạt dài loại 25% tấm, do lượng dự trữ gạo của Chính phủ nước này đang rất thấp, chỉ còn với tương đương 5 ngày sử dụng. Theo đó, các nhà xuất khẩu có thể bỏ thầu trước ngày 25.7.
Được biết, cuộc đấu thầu lần này của Philippines không chỉ mở cửa cho các nhà cung cấp từ Việt Nam, Thái Lan mà còn có thêm các doanh nghiệp từ Pakistan, Ấn Độ.
Hiện Philippines đã chuyển hướng từ mua gạo theo phương thức hợp đồng liên chính phủ sang mua dưới hình thức cạnh tranh để tránh hiện tượng tiêu cực.
Tác giả bài viết: Minh Huệ
Nguồn tin: danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn