Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Hiệp Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam đã đưa ra những khuyến cáo đối với nông dân, doanh nghiệp (DN) sau nhiều ngày giá cà phê giảm sâu.
Nhiều chuyên gia cho rằng một trong những nguyên nhân khiến giá cà phê giảm sâu là do cung đang vượt cầu. Ảnh: I.T
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan 8 tháng đầu niên vụ (tính từ 1.10.2017 đến hết tháng 5.2018), cả nước xuất khẩu khoảng 1,1 triệu tấn cà phê với kim ngạch đạt trên dưới 2,3 tỷ USD. Trong đó, cơ cấu các loại hàng xuất khẩu: cà phê Robusta: 925.000 tấn (chiếm tỷ lệ 84%); cà phê nhân Arabica: 88.000 tấn; cà phê hòa tan và rang xay: 89.000 tấn.
Các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 35% và các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam chiếm trên dưới 65% tổng số lượng cà phê xuất khẩu của cả nước. Các thị trường nhập khẩu cà phê Việt Nam lớn nhất: Đức, Mỹ, Ý, Tây Ban Nha, Nhật, Indonesia, Nga,….
So với cùng kỳ niên vụ 2016 – 2017 thì về số lượng xuất khẩu tăng trên dưới 8,6% nhưng về kim ngạch giảm gần 10%.
Theo khảo sát từ thị trường, ngày 29.6 giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên đảo chiều so với hôm qua, đồng loạt giảm 200 đồng/kg. Theo đó giá cà phê tại Lâm Đồng còn 34.900 đồng/kg; giá cà phê tại Đắk Nông, Gia Lai giao dịch ở mức 35.600 đồng/kg, còn tại Đắk Lắk - thủ phủ cà phê Tây Nguyên, các địa lý, DN thu mua với giá 35.800 đồng/kg.
Giá cà phê nhân xuất khẩu tại cảng TP.Hồ Chí Minh giảm 8 USD/tấn, giao dịch tại mức 1.577 USD/tấn.
Trước tình trạng giá cà phê tiếp tục giảm mạnh, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo DN và người sản xuất trong nước cần thận trọng trong việc dự trữ, tránh tình trạng giảm giá trở lại khi vào vụ thu hoạch của Việt Nam trong quý IV/2018. Ảnh: I.T
Sau 2 phiên tăng liên tiếp, giá cà phê tại Việt Nam lại đổi hướng giảm theo giá thế giới. Cụ thể, trong phiên giao dịch đêm qua, giá cà phê robusta tại London giảm 8 USD/tấn, chốt tại mức 1.697 USD/tấn (giá FOB) kì hạn giao tháng 9/2018, tương đương giảm 0,47%.
Trao đổi với Dân Việt về việc giá cà phê giảm mạnh trong nhiều ngày qua, ông Nguyễn Nam Hải - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Cà phê, ca cao Việt Nam lý giải, giá cà phê thời điểm hiện tại quá thấp so với các năm gần đây. Cà phê nhân xô tại các vùng nguyên liệu đã gần sát với giá thành người nông dân.
Bên cạnh đó, giá cà phê Robusta trên sàn London cũng đã giảm về dưới 1.700 USD/ tấn. Tuy vậy giá trừ lùi trên thị trường xuất khẩu không co lại mà tiếp tục giãn ra.
“Nguyên nhân giá xuống thấp tại thời điểm hiện tại có rất nhiều, nhưng tập trung 1 số nguyên nhân chính như sau. Thứ nhất, đó là quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) từ 13.6.2018; Thứ hai, giá USD tăng; Thứ ba, do cung tăng so với cầu" - ông Hải thông tin.
Theo ông Hải, báo cáo tháng 6/2018 của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2018 – 2019 đạt ở mức kỷ lục 171,2 triệu bao (60kg/ bao). Trong đó dự báo sản lượng cà phê Brazil đạt 60,2 triệu bao. Các hãng tin dự báo Việt Nam sẽ đạt khoảng trên dưới 28,5 triệu bao. "Tuy dự báo tiêu thụ cà phê thế giới cũng sẽ tăng cao nhưng chỉ ở mức 163,2 triệu bao” - ông Hải cho hay.
Trước tình trạng giá cà phê tiếp tục giảm mạnh, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo DN và người sản xuất trong nước cần thận trọng trong việc dự trữ, tránh tình trạng giảm giá trở lại khi vào vụ thu hoạch của Việt Nam trong quý IV/2018.
Các DN xuất khẩu cà phê của Việt Nam cũng không thể “ngồi yên” trước tình trạng trên. Ngày 22.6 vừa qua, Câu lạc bộ xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam cũng đã tổ chức hội nghị đánh giá tình hình xuất khẩu cà phê 8 tháng đầu niên vụ 2017-2018, đồng thời đưa ra định hướng kinh doanh xuất khẩu trong những tháng còn lại của niên vụ năm 2018.
Ông Hải cho biết, các DN xuất khẩu cà phê đã thống nhất đưa ra các biện pháp khắc phục tình trạng trên, theo đó các DN sẽ đẩy mạnh và tăng cường xuất khẩu các sản phẩm cà phê chế biến sâu (cà phê rang xay, cà phê hòa tan).
Một số DN xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam trong 8 tháng qua như Intimex, Công ty 2.9, Tín Nghĩa, Phúc Sinh, Vĩnh Hiệp đều đã đầu tư và tăng mạnh các sản phẩm cà phê hòa tan, rang xay gắn với các thương hiệu hiện có uy tín trên thị trường như thương hiệu SIMEXCO Cafe (Công ty 2.9); L‘AMANT Cafe (Công ty Vĩnh Hiệp); K Coffee (Công ty Phúc Sinh); ITGCOFFEE (Công ty Intimex).
Ông Hải khuyến cáo, trong thời điểm này các DN cần mua ngay bán ngay, cung ứng nguyên liệu, hạn chế bán trừ lùi giao xa trong thời điểm giá đầu vào cao (nội địa) giá đầu ra (giá xuất khẩu) thấp. Không nên ký hợp đồng mới giá trừ lùi trên 70USD (loại Robusta tỉ lệ 5% đen vỡ, hàng bao). Lượng tồn kho của niên vụ 2016 – 2017 hiện nay không còn nhiều trong DN và người nông dân, do đó có thể xúc tiến tiếp thị mở rộng thị trường tới các DN nhập khẩu vừa và nhỏ.
Theo: Đình Thắng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn