Ông Trần Văn Tuấn – GĐ HTX Thanh Long Hội Quán, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành cho biết: Cả tuần nay giá thanh long bắt đầu tăng trở lại. Thương lái đến tận vườn mua thanh long của bà con nông dân từ 10.000 – 12.000 đồng/kg, tăng hơn 4.000 - 5.000 đồng so với tuần trước.
Gắn bó nhiều năm với loại cây trồng này, ông Huỳnh Văn Quận, ở xã Phú Đức, huyện Tam Nông cho biết, 15ha thanh long trong tổ hợp tác tại huyện đang vào vụ chín rộ, nay thương lái đã đến thu mua trở lại.
Không riêng thanh long tăng giá, mặt hàng ớt trồng ở các huyện như Thanh Bình, thị xã Hồng Ngự giá cũng tăng trở lại. Tuần trước giá ớt chỉ bán có 6.000 đồng/kg nhưng rất khó tìm thương lái, thì hiện tại đã tăng lên 12.000 – 13.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Thuận, xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự chia sẻ: Nếu như mọi năm, nông dân bán ớt tươi tại ruộng với giá thấp nhất cũng 17.000 - 20.000 đồng/kg, nhưng vừa qua giá rớt quá thấp. Nay giá nhích lên và hy vọng còn tiếp tục tăng, hàng hóa xuất khẩu thuận lợi.
Trước tình trạng khó khăn của nông dân trong thời điểm dịch Covid-19, Sở Công Thương Đồng Tháp đã chủ động liên hệ nhiều đơn vị thu mua, nhà bán lẻ thực hiện liên kết, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Thêm tín hiệu vui đến với bà con trồng thanh long, đại diện Siêu thị Big C đã đến khảo sát vùng trồng và kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm tại huyện Châu Thành, Lai Vung, Tam Nông.
Đại diện Siêu thị Big C, GĐ thu mua khu vực phía Nam Nguyễn Tô Kiều Trinh cho biết, trong giai đoạn nông dân gặp khó trong việc tiêu thụ sản phẩm do dịch bệnh, siêu thị đồng hành hỗ trợ tiêu thụ sản lượng thanh long ruột đỏ, giúp bà con vượt qua giai đoạn khó khăn và không phải lâm vào cảnh trắng tay trong mùa đại dịch. Ông Trinh đánh giá, sản phẩm thanh long ruột đỏ của nông dân Đồng Tháp có chất lượng khá tốt, đồng đều. Dự kiến trung bình mỗi tuần siêu thị sẽ tiêu thụ khoảng từ 15 – 20 tấn thanh long.
Theo ông Trinh, mục tiêu của siêu thị Big C không chỉ là chuyện giải cứu nông sản mà sâu xa hơn là giúp đẩy mạnh nông sản vào hệ thống bán lẻ, các sản phẩm chất lượng, có chứng nhận đến tay người tiêu dùng trong nước.
Trong thời gian tới, siêu thị sẽ phối hợp với Sở Công thương Đồng Tháp nắm lại lịch thời vụ, sản lượng của từng mặt hàng nông sản của Đồng Tháp theo từng mùa vụ để có những bước liên kết bền vững, lâu dài.
Bà Võ Phương Thủy – Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp cho biết, ngành Công thương sẽ trở thành khâu trung gian phối hợp các siêu thị, nhà bán lẻ với nông dân. Sở Công thương khuyến nghị nông dân chú ý vào phương thức sản xuất, liên kết với nhà phân phối trong khâu tiêu thụ để từ đó định hướng khâu sản xuất, tránh rơi vào tình trạng “giải cứu” không mong muốn.