Mặt hàng thịt lợn của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều thông qua đường tiểu ngạch, vì vậy nếu không xem xét kỹ và có định hướng tốt thì ngành chăn nuôi lợn lại phải đối mặt với việc giải cứu thịt lợn như thời gian qua.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh hiện nay, khi việc giải quyết đầu ra cho mặt hàng thịt lợn của người chăn nuôi đang là nhu cầu cấp thiết thì việc thị trường Trung Quốc hay bất cứ thị trường nào có động thái thu mua thịt lợn đều là tín hiệu tốt. Nhưng điều quan trọng ở đây là chúng ta phải xem xét kỹ tín hiệu đó có bền vững hay không.
Những tín hiệu đó sẽ ảnh hưởng, tác động như thế nào đến hoạt động sản xuất của bà con nông dân, cũng như việc nghiên cứu đề xuất của các cơ quan chức năng để có những cảnh báo, định hướng cho bà con có nên tiếp tục đầu tư vào việc tăng đàn lợn ngay hay không và mức tăng lên như thế nào cho phù hợp.
Sau một thời gian rớt giá sâu, tổng đàn lợn cả nước đã giảm hơn 1 triệu con, hiện ở mức hơn 26 triệu con.
Bộ Công thương cho biết, thực tế hiện nay, mặt hàng thịt lợn của Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đều thông qua đường tiểu ngạch, vì vậy nếu không xem xét kỹ và có định hướng tốt thì ngành chăn nuôi lợn lại phải đối mặt với việc giải cứu mặt hàng thịt lợn như thời gian vừa qua.
Chính vì thế, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục phối hợp thường xuyên với các Bộ, ngành đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thường xuyên có thông báo, thậm trí là các cảnh báo liên quan đến thị trường tiêu thụ mặt hàng thịt lợn, nhất là thị trường Trung Quốc…
“Chất lượng luôn là vấn đề quan trọng, không chỉ mặt hàng thịt lợn mà nhiều mặt hàng nông sản khác như rau quả của chúng ta cần phải nâng cao hơn nữa về chất lượng thì mới có thể xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường, mới không phụ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khuyến cáo.
Hiện nay, mặt hàng thịt lợn của Việt Nam vẫn chưa được phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; mới xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Malaysia và Hồng Kông, nhưng cũng chỉ là thịt lợn sữa (từ 10 – 15 kg).
Như vậy, vấn đề mấu chốt của xuất khẩu mặt hàng thịt lợn trước hết là đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường. Bộ Nông nghiệp và Nông thôn đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công Thương và các cơ quan có liên quan thực hiện các bước cần thiết để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thực tế vừa qua đã cho thấy, việc tăng đàn nhanh chóng, bất chấp thông tin cảnh báo của Bộ Công thương cũng như của các cơ quan chức năng, không quan tâm đến thị trường đầu ra đã dẫn tới hệ lụy là nguồn cung dư thừa và các Bộ, ngành, địa phương… đã phải chung tay “giải cứu thịt lợn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn