Thương lái cho biết, hiện giá tôm nguyên liệu đang đứng ở mức thấp. Cụ thể, tôm sú loại 30 con/kg có giá từ 150.000- 155.000 đồng/kg, loại 40 con/kg giá 140.000- 1450.000 đồng; tôm thẻ loại 80- 100 con/kg giá dao động từ 87.000- 90.000 đồng/kg… giảm trung bình từ 10.000- 60.000 đồng/kg so với đầu năm 2018; trong đó, giá tôm sú nguyên liệu đang giảm mạnh nhất.
Ông Trần Út Em, xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu cho biết, giá tôm sú giảm mạnh gần đây là do vào cao điểm vụ thu hoạch. Bởi sau khi tôm thẻ chân trắng rớt giá, người dân ồ ạt chuyển qua nuôi tôm sú, khi diện tích tôm sú tăng, đến vụ thu hoạch thì giá đột nhiên giảm xuống.
Hộ ông Trần Út Em là một trong hàng nghìn hộ nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu đang gặp cảnh giá tôm nguyên liệu gần đây không ổn định, người dân không biết lựa chọn con gì sản xuất bán được giá sau khi thu hoạch. Tình cảnh “được mùa, rớt giá; mất mùa, rớt giá” là cái vòng luẩn quẩn chưa có lối ra.
Cùng tâm lý đó, ông Quách Thành Nhơn, xã Vĩnh Trạch, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu cho biết, diện tích nuôi tôm của gia đình gần 7ha, được bố trí thành 34 ao nuôi tôm công nghiệp, nhưng với giá tôm hiện tại, gia đình chỉ thả nuôi 10 ao, diện tích còn lại bỏ trống. Theo ông Nhơn, với giá tôm hiện tại sản xuất lãi rất thấp, nếu như tôm nuôi thành công, lãi chỉ đạt khoảng 10- 20%.
Theo người nuôi tôm tỉnh này, chưa năm nào tôm rớt giá và kéo dài như năm nay. Cụ thể, giá tôm giảm mạnh từ sau Tết Nguyên đán năm 2018 đến nay, giá tôm thẻ chân trắng vừa nhích lên, thì tôm sú lại giảm mạnh, khiến người nuôi tôm gặp khó. Điều mà người nuôi lo lắng là giá tôm xuống thấp nhưng giá thức ăn, thuốc, con giống,… không giảm. Hơn nữa, người nuôi tôm tỉnh này cũng gặp khó khăn về nguồn vốn, khó tiếp cận vốn vay các tổ chức tín dụng.
Nhằm giúp người dân giảm bớt khó khăn, tỉnh Bạc Liêu đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp nhằm hạn chế chi phí, rủi ro trong sản xuất. Theo đó, tỉnh khuyến khích người dân lựa chọn những mô hình nuôi phù hợp, giảm giá thành, chi phí đầu vào. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kiểm soát chặt con giống, nguồn nước, mầm bệnh... Cùng với đó, đẩy mạnh liên kết trong sản xuất, xúc tiến tiêu thụ hàng hóa, quảng bá sản phẩm tôm Việt và hướng đến bao tiêu sản phẩm cho người dân.
Tỉnh cũng tiếp tục tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tình trạng mua bán con giống trôi nổi, chưa qua kiểm dịch và chỉ đạo ngành chuyên môn, các địa phương theo dõi, giám sát chặt tình hình bệnh trên tôm, hạn chế thấp nhất diện tích tôm nuôi thiệt hại.
Nông dân Bạc Liêu đang thả nuôi gần 100.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh, siêu thâm canh hơn 5.000 ha. Hiện có hơn 60.000 ha tôm nuôi đang cho thu hoạch, nhưng do bán không được giá, người dân mất đi khoản lợi nhuận không nhỏ./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn