Cây “tỷ đô” đang suy giảm cả sản lượng và giá trị
Mới đây, theo thông tin từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,265 triệu tấn, trị giá 2,173 tỷ USD, giảm 12,5% về lượng và giảm 20,9% về trị giá so với 9 tháng đầu năm 2018.
Trong đó, xuất khẩu cà phê tháng 9/2019 đạt 92,3 nghìn tấn, trị giá 168,67 triệu USD, giảm 19,1% về lượng và giảm 14,4% về trị giá so với tháng 8/2019, so với tháng 9/2018 giảm 23,5% về lượng và giảm 20,5% về trị giá.
Giá xuất khẩu bình quân mặt hàng cà phê tháng 9/2019 đạt mức 1.827 USD/tấn, tăng 5,8% so với tháng 8/2019 và tăng 3,9% so với tháng 9/2018. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, giá xuất khẩu bình quân cà phê đạt mức 1.718 USD/tấn, giảm 9,6% so với 9 tháng đầu năm 2018.
Cà phê xuất khẩu của Việt Nam có kim ngạch lớn nhưng giá trị thấp
Hiện nay, các sản phẩm cà phê của nước ta đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm 14,2% thị phần xuất khẩu cà phê nhân toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil. Đặc biệt, cà phê rang xay và hòa tan xuất khẩu đã chiếm 9,1% thị phần (đứng thứ 5 sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Được biết, trung bình mỗi năm, Việt Nam sản xuất trên 1,5 triệu tấn cà phê nhưng lượng cà phê xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, chiếm khoảng 90%, do đó, giá trị gia tăng thấp lợi nhuận thu về chưa tương xứng với lượng hàng xuất đi. Theo đánh giá của các chuyên gia, cơ quan chức năng, đây là điểm yếu rất lớn của ngành cà phê.
Đánh giá về nguyên nhân của tình trạng trên, ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết, hiện nay, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam bán hàng phải thông qua các đầu mối và doanh nghiệp nước ngoài mà chưa tiếp cận trực tiếp với các nhà rang xay cà phê thế giới.
“Năng lực quản trị của các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh và xuất khẩu cà phê còn thiếu chuyên nghiệp. Trình độ ngoại ngữ, kỹ thuật thương mại quốc tế của đội ngũ làm công tác tiêu thụ, xuất khẩu cà phê ở các doanh nghiệp Việt Nam còn yếu kém, bất cập.
Ngoài ra, phải kể đến các yếu tố kìm hãm khác như hạ tầng thương mại trong nước yếu kém, chậm hình thành các sàn giao dịch, đấu giá; hệ thống thông tin và phân tích giá cả thị trường chưa chuyên nghiệp, bị động và bị chi phối bởi những yếu tố ngoại quan.” Bộ NN&PTNT đánh giá.
Ngoải ra, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương thông tin thêm, trong nhiều năm qua, kim ngạch xuất khẩu cà phê đều đạt con số 3 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 11 ngày đầu tháng 10/2019, giá cà phê Robusta trong nước giảm khiến người trồng cà phê bước vào mùa vụ với tâm lý không lạc quan.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mặc dù mặt hàng cà phê có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao trong thời gian qua, song giá trị lại thấp và chưa có được vị trí tương xứng với tiềm năng trên thị trường thế giới.
Không chế biến sâu, khó nâng giá trị cà phê
Được biết, hiện nay, trên cả nước có 150 doanh nghiệp xuất khẩu cùng hơn 3.000 đại lý tham gia thu mua cà phê; trong đó, có 13 doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, trong số đó chỉ có 1/3 số doanh nghiệp có nhà máy chế biến cà phê nhân xuất khẩu; 90% các doanh nghiệp trong nước và 100% các doanh nghiệp FDI mua cà phê nhân thông qua thương lái và đại lý thu mua để xuất khẩu.
Trước tình trạng “sản lượng cao, giá thấp”, để nâng cao giá trị gia tăng cho cà phê Việt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thực hiện Đề án phát triển sản phẩm quốc gia “Cà phê Việt Nam chất lượng cao” trong giai đoạn 2018- 2023, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo đó, đề án sẽ hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp hoàn thiện quy trình công nghệ chế biến ướt (sử dụng enzim và vi sinh vật) nâng cao chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch; hỗ trợ tối thiểu 5-10 doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất cà phê chất lượng cao.
Người dân trồng cà phê đang bước vào vụ mùa không lạc quan.
“Tổng giá trị các mô hình cho thu nhập tương đương 2.000 tỷ đồng/năm; trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất thử nghiệm cà phê chất lượng cao đạt không dưới 100 tỷ đồng/năm...” Bộ NN&PTNT cho hay.
Ngoài ra, tiến sỹ Manuel Diaz.P chuyên gia tư vấn cà phê đến từ Mexico cho biết thêm, Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê robusta lớn thứ 2 trên thế giới thế nhưng giá trị cà phê mang lại cho Việt Nam chưa cao.
“Để nâng cao nâng cao chất lượng cà phê, Việt Nam cần xây dựng một quy chuẩn khắt khe hơn đối với sản xuất cà phê, tìm hướng nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, chứ không nên nâng cao sản lượng cà phê dựa vào phân bón.” tiến sỹ Manuel Diaz.P nhận định.
Bên cạnh đó, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông phân tích thêm, để nâng cao giá trị ngành cà phê xuất khẩu cũng cần chú trọng phát triển thương hiệu.
“Chất lượng cà phê Đắk Nông rất tốt, đặc biệt là cà phê Đắk Mil - đã được công nhận chỉ dẫn địa lý. Các chuyên gia thử nếm đánh giá cà phê Đắk Mil là một trong những nơi ngon nhất hiện nay. Tuy nhiên, trong tỉnh không có những doanh nghiệp, tập đoàn cà phê lớn nên thương hiệu cà phê Đắk Mil chưa được khai thác hiệu quả.
Hiện nay, ngoài việc mở rộng diện tích cà phê chứng nhận, sạch, hữu cơ, tỉnh cũng đang kêu gọi các tập đoàn chung tay xây dựng thương hiệu cà phê Đắk Mil nói riêng, cà phê Đắk Nông nói chung nhằm nâng cao giá trị hạt cà phê.” Ông Tùng cho biết.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn