Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Đây là nhấn mạnh của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành và các doanh nghiệp chăn nuôi lợn tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30/3.
Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao các bộ, ngành, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cho các ý kiến sâu sắc và trách nhiệm.
Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, đại dịch COVID-19 đã lây nhiễm ở hầu hết các nước trên thế giới với tổng số 721.300 người nhiễm.
Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước, toàn dân, toàn quân đang tập trung phòng, chống dịch nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng hơn; từ đó đang đặt ra những thách thức lớn trong phòng chống dịch trong thời gian tới. Đại dịch bùng phát, lan rộng và đẩy kinh tế toàn cầu vào một cuộc suy thoái sâu có thể kéo dài, từ đó làm thay đổi bức tranh kinh tế thế giới và tác động rất tiêu cực đến tất cả các nền kinh tế.
Đối với Việt Nam, dịch bệnh cũng tác động lớn đến phát triển của hầu hết các ngành kinh tế, làm suy giảm tăng trưởng, ảnh hưởng đến các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội và từ đó ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
"Đất nước còn nhiều khó khăn, nên việc chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng với Chính phủ là rất quan trọng", Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần trong phòng chống dịch.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Trước tình hình trên, Phó Thủ tướng cho rằng phải tập trung chống dịch bằng nhiều biện pháp, trong đó: Phải ngăn chặn và hạn chế dịch bệnh từ bên ngoài vào Việt Nam; cách ly triệt để những người bị nhiễm bệnh hoặc nguy cơ nhiễm bệnh, hạn chế thấp nhất sự lây lan sang người khác. Đồng thời tập trung nâng cao năng lực của hệ thống y tế, chủ động thuốc men, vật tư, trang thiết bị y tế; đội ngũ nhân lực y tế để ứng phó trong tình huống xấu nhất, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân.
Xử lý nghiêm việc găm hàng, đẩy giá
Bên cạnh phòng, chống dịch, đồng thời phải duy trì phát triển, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống của người dân; trong đó đặc biệt phải tập trung phát triển nông nghiệp.
"Đây là ngành kinh tế có thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt trong các thời kỳ khó khăn, chiến tranh, dịch bệnh, suy giảm kinh tế toàn cầu... Lịch sử và thực tiễn đã chứng minh rõ điều này", Phó Thủ tướng nói.
Thời gian qua, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn nhưng ngành nông nghiệp vẫn đạt nhiều kết quả quan trọng. Ngành chăn nuôi vẫn bị ảnh hưởng nặng nề của dịch tả lợn châu Phi, nhưng chúng ta đã kiểm soát tốt được dịch bệnh để phát triển đàn lợn. Từ năm 2020 đến nay, tốc độ tái đàn, tăng đàn lợn đạt tỉ lệ 6,2% (tăng hơn 2 triệu con so với tháng 12/2019). Tổng sản lượng thịt lợn đạt lượng 810.000 tấn. Việc duy trì phát triển nông nghiệp nói chung, phát triển đàn lợn nói riêng đã góp phần rất quan trọng để phát triển kinh tế và bảo đảm đời sống của người dân.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Chỉ đạo điều hành giá, từ cuối năm 2019 đến nay, giá thịt lợn luôn ở mức cao. Phó Thủ tướng dẫn chứng thông tin báo chí đăng tải ngày 29/3 cho biết giá thịt lợn đang ở mức 82.000-85.000 đồng ở miền Bắc; 72.000-85.000 đồng ở miền Trung-Tây Nguyên; 75.000-81.000 đồng ở miền Nam.
Về nguyên nhân của việc tăng giá thịt lợn, Phó Thủ tướng phân tích, do nguồn cung thấp hơn cầu khi đàn lợn bị giảm vì dịch bệnh; do tâm lý tích trữ thực phẩm của người dân khi xảy ra dịch.
"Bên cạnh đó, có hiện tượng "găm hàng", hạn chế bán để chờ giá lên", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, ngoài ra cơ cấu trong giá thịt lợn còn bất hợp lý (chi phí trung gian lớn 40-45%).
Việc giá thịt lợn cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân khi dịch bệnh. Trong lúc phải nghỉ việc, ít việc, thu nhập thấp do dịch bệnh lại phải chi tiêu cao sẽ gây nhiều khó khăn cho người dân. Mặt khác, giá thịt lợn ở mức cao sẽ tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ảnh hưởng lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô.
"Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải giảm giá thịt lợn ở mức hợp lý, vừa đảm bảo đời sống của người dân, lợi ích của người chăn nuôi, doanh nghiệp và ổn định kinh tế vĩ mô. Đây không chỉ là trách nhiệm về mặt kinh tế mà còn về chính trị, văn hóa, đạo đức đối với người dân. Bên cạnh đó là tập trung tăng nguồn cung thịt lợn, phù hợp với nhu cầu của thị trường ở trong nước, khu vực và thế giới", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phối hợp các địa phương, doanh nghiệp có giải pháp hạ giá thành chăn nuôi; tăng cường kiểm soát về giá trên thị trường, kiểm soát chi phí khâu trung gian. Trong thời gian tới, xây dựng kế hoạch phát triển ngành, kế hoạch tăng đàn, tái đàn lợn nhưng bảo đảm cân bằng cung cầu.
Phó Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh tái cơ cấu, xây dựng các chuỗi chăn nuôi, sản xuất, cung ứng, vùng an toàn dịch bệnh; kiểm soát các dịch bệnh trên lợn, trong đó có dịch tả lợn châu Phi; bảo đảm cung ứng thịt trong bối cảnh COVID-19, không để tâm lý hoang mang, ổn định thị trường.
"Xử lý nghiêm tình trạng găm hàng, đẩy giá lên cao; xử lý nghiêm tình trạng xuất nhập khẩu thịt lợn trái phép", Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng cho biết, trước cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có trao đổi, mong muốn những doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lớn phải hứa với Chính phủ, với người dân về giảm giá thịt lợn. Đây là nhiệm vụ chính trị, thể hiện trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với xã hội, với đất nước, với người dân. Tinh thần này đã nhận được sự ủng hộ, chia sẻ, cam kết đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp tại hội nghị.
Đỗ Hương/ chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn