Xuất khẩu nông nghiệp cần vươn lên để về đích.
Mạnh và yếu
Năm 2017, xuất khẩu nông lâm thủy sản là điểm sáng trong bức tranh xuất khẩu của cả nước với kết quả tăng trưởng tích cực, kim ngạch toàn nhóm đạt mức cao nhất từ trước đến nay khi ở con số 33,5 tỷ USD, tăng 4,35 tỷ USD về giá trị tuyệt đối và tăng 14,9% so với 2016, chiếm 16,2% tổng xuất khẩu của cả nước và đóng góp 9 mặt hàng vào nhóm kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. 3 tháng đầu năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu đạt 8,7 tỷ USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp gần đây về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng nông, lâm, thuỷ sản, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh đánh giá khá cao những nỗ lực xuất khẩu của nhóm hàng này. Tuy nhiên, ông Khánh cũng chỉ ra những hạn chế của các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản đòi hỏi cần có những giải pháp tháo gỡ. Theo ông Khánh, trước hết, đó là cơ cấu xuất khẩu. Cụ thể, xuất khẩu nhóm hàng này hiện vẫn chủ yếu dựa vào thị trường Đông Á, chiếm tới 44% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó Trung Quốc lớn nhất chiếm hơn 26%, xuất sang Hoa Kỳ và EU là 35%.
Đáng chú ý, tại thị trường xuất khẩu truyền thống, giàu tiềm năng như EU, khá nhiều mặt hàng đã có dấu hiệu sụt giảm như cà phê (đạt 1,37 tỷ USD, giảm 0,9%), hồ tiêu đạt 156,5 triệu USD, giảm 34,8% và gạo xuất khẩu đạt 3,6 triệu USD, giảm 45,6%. Lý giải của Bộ Công thương cho biết, nông lâm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn tại thị trường EU như rau quả bị EU rà soát, điều chỉnh, chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra, gây bất lợi đến tiến độ xuất khẩu.
Theo Bộ Công thương, hiện tần suất kiểm tra thanh long tăng lên 20% và các loại rau gia vị tăng 50%. Trong khi đó, sản phẩm thủy sản khai thác đang bị EU áp dụng cảnh báo thẻ vàng kể từ tháng 10/2017. Không những thế, thị trường này còn đang dự thảo áp dụng các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như hồ tiêu, gia vị… Cùng với đó, câu chuyện tổ chức sản xuất của chúng ta manh mún, chất lượng không đồng đều cũng là vấn đề nhóm hàng này cần quan tâm. “Đây là những điểm yếu cốt lõi của ngành” - Thứ trưởng Khánh nhấn mạnh.
Cần định hướng
Đối với ngành gỗ, dự báo năm tới cũng sẽ có nhiều khó khăn. Theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam, chúng ta vẫn đang phải nhập khẩu một nguồn nguyên liệu lớn. Điều này cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của chúng ta. Theo ông Quyền, dần dần sẽ phải hạn chế bớt gỗ nhập khẩu, tăng cường sử dụng gỗ trong nước mới có thể tăng sức cạnh tranh. Để làm được điều này, ông Quyền đề xuất, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để sản phẩm gỗ có nguồn gốc minh bạch nhằm mang lại sự tin cậy cho khách hàng.
Cần có định hướng cho DN chuyển cơ sở chế biến lên vùng sâu xa nhằm giảm chi phí vận chuyển, chi phí hạ tầng rẻ hơn. Hay vấn đề đào tạo, cần chính sách cụ thể cho lao động trong ngành gỗ ở vùng sâu vùng xa vì đa số là bà con dân tộc. Vấn đề logistics cũng được đại diện DN kiến nghị, vì chi phí vận chuyển hiện nay quá cao, trong khi khối lượng vận chuyển gỗ lớn. Chính điều này tạo ra điểm yếu cho các DN gỗ.
Với mặt hàng gạo, Hiệp hội lương thực cho biết, khó khăn với DN xuất khẩu gạo trong 2 năm nay là sự sàng lọc mạnh mẽ của thị trường, DN mạnh thì vượt qua còn DN yếu về vốn, về thị trường thì bị đào thải. Nhiều DN ở đồng bằng sông Cửu Long bán kho và rời mảng kinh doanh này do không vay được ngân hàng. Ngân hàng điều chỉnh chính sách cho DN xuất khẩu gạo bằng siết chặt vay vốn. Cùng đó, lãi suất cho vay tăng; năm 2017 VND là 5,5% sang 2018 là 6,5%; còn USD tăng từ 2,5% lên 3,5% trong năm nay.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) chia sẻ một số khó khăn với mặt hàng này. Sau 20 năm phát triển cá tra vẫn mang tiếng hàng thô, nhưng hiện nay hàm lượng giá trị gia tăng đã tăng nhưng xuất khẩu tiểu ngạch là lượng nhiều nhưng giá trị ít so với chính ngạch. Ông Nam đề xuất, có biện pháp trước mắt 3 tháng - ngay bây giờ cấp giấy chứng nhận qua đường tiểu ngạch cho mặt hàng này...
Minh Phương/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn