Cung lớn hơn cầu
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam, đã bắt đầu câu chuyện về sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu trên thế giới sau khi tham dự hội nghị lần thứ 45 của Hiệp hội hồ tiêu quốc tế (International Pepper Community – IPC) được tổ chức đầu tháng 11-2017 tại Sri Lanca. Ông Hải cho biết sản lượng và tồn kho vụ cũ mang sang của các nước sản xuất hồ tiêu trên toàn thế giới càng lúc càng lớn, nói một tiếng cho nhanh là “cung lớn hơn cầu”, ông Hải nhấn mạnh.
Thống kê của IPC cho biết, nếu như năm 2016 tổng lượng hồ tiêu toàn cầu (số tròn) là 497.000 tấn thì đến năm 2017 lên 547.000 tấn, tức tăng 50.000 tấn. Trong đó, IPC còn cho biết tồn kho mang sang từ các vụ cũ cứ mỗi năm tăng chừng 20.000 tấn. Cụ thể, tồn kho mang sang đầu kỳ năm 2016 là 67.000 tấn, sang năm 2017 là 87.000 tấn. Dự kiến năm 2018, lượng tồn kho từ vụ cũ mang sang còn lớn hơn, khoảng 104.000 tấn.
Con số tồn kho mỗi năm mỗi tăng nói lên rằng, thế giới không tiêu thụ hết sản lượng hồ tiêu làm ra hàng năm mà để dồn lại cho năm sau.
Tuy chưa phải là thành viên của IPC, ba nước có vị trí địa lý quanh Việt Nam là Campuchia, Trung Quốc và Thái Lan đang có sản lượng hồ tiêu tăng nhanh và trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu số một thế giới là Việt Nam. Sản lượng hồ tiêu năm 2017 của ba nước này ước đạt 40.000 tấn trong tổng số 50.000 tấn của sáu nước ngoài IPC.
Riêng đối với Việt Nam, sản lượng năm 2017 đạt chừng 180.000 tấn, chưa tính trên 21.000 tấn tồn kho từ vụ 2016 mang sang.
Giá giảm dần
Không chỉ tại Việt Nam, giá hồ tiêu tăng mạnh đã kích thích nông dân các nước phát triển diện tích ồ ạt. Bắt đầu từ năm 2015 khi giá xuất khẩu hồ tiêu thế giới chạm mức 10.000 đô la Mỹ/tấn thì cũng là thời điểm nhiều nơi bất chấp tất cả để mở rộng diện tích hồ tiêu. Ngay tại Việt Nam, vào các năm 2013-2014, diện tích hồ tiêu chỉ quanh mức 51.000 ha, nhưng đến cuối năm 2016 đã tăng lên 126.000 ha.
Tăng ấn tượng nhất là Brazil, Campuchia và Trung quốc. Cụ thể, nếu như năm 2016 Brazil chỉ xuất khẩu chừng 30.000 tấn hồ tiêu thì có thể sang năm 2018 nước này sẽ tăng gấp đôi, lên mức 65.000 tấn. Trước đây, diện tích trồng tiêu của nước này chừng 10.000 ha chỉ đủ sản xuất cho tiêu dùng trong nước, thậm chí phải nhập khẩu. Nhưng chỉ trong vòng 3-4 năm gần đây, Brazil đã nâng diện tích trồng tiêu lên 40.000 ha.
Tại Campuchia, nếu như đầu thập niên 2000 chỉ có vài ba trăm héc ta hồ tiêu được trồng dọc biên giới Việt Nam để tranh thủ bán biên mậu, thì nay sản lượng hồ tiêu đã lên đến 25.000 tấn.
Khi diện tích và sản lượng hồ tiêu tăng lên, giá xuất khẩu giảm dần, hiện chỉ còn quanh mức 3.300-3.500 đô la Mỹ/tấn. Giá hồ tiêu nguyên liệu tại Việt Nam cũng giảm nhanh, từ 130.000 đồng/kg đầu năm 2017 nay chỉ còn 77.000 đồng/kg, tương đương với 3.400 đô la/tấn.
Liên kết tìm thị trường
Các con số ở trên đã nói thay hết mọi điều và hệ quả là thị trường hồ tiêu đang nằm trong tay người mua. Dự kiến năm nay, Việt Nam sẽ xuất khẩu chừng 200.000 tấn hồ tiêu. Nhưng ông chủ tịch hiệp hội đang lo không biết liệu có đạt được con số ấy không trước các đối thủ cạnh tranh rất quyết liệt về giá lẫn số lượng.
Nhiều doanh nghiệp cho biết họ vẫn mua hồ tiêu nhập khẩu từ Brazil do giá hàng có xuất xứ nước Nam Mỹ này rẻ hơn giá trong nước từ 2.000-3.000 đồng/kg. Ông Hải cũng xác nhận rằng giá hồ tiêu tại thị trường nội địa Brazil rất rẻ, chỉ từ 2.000-2.500 đô la/tấn. Do vậy, nhiều khách hàng đang tập trung mua hồ tiêu Brazil, kể cả Việt Nam. Như thế cũng có nghĩa rằng hồ tiêu Việt Nam đang gặp khó trước các thị trường Bắc Mỹ.
Do là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, Việt Nam đang chịu áp lực bởi các hàng rào kỹ thuật như dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm... của các nước nhập khẩu vốn càng lúc càng đòi hỏi cao hơn.
Thị trường tiêu thụ trong nước dường như đã bão hòa ở mức 7.000-8.000 tấn mỗi năm. Đã từng có những nỗ lực của nhiều doanh nghiệp để đưa sản phẩm cuối cùng của hồ tiêu vào các siêu thị và nhà hàng, nhưng sức tiêu thụ nội địa khó tăng mạnh do ngành công nghiệp thực phẩm chế biến trong nước chưa được phát triển.
“Chỉ có một con đường, đó là ngành hồ tiêu Việt Nam cần đi theo hướng sản xuất bền vững. Ở đây, nông dân hồ tiêu cần sự kết hợp và hỗ trợ không thể thiếu của các doanh nghiệp xuất khẩu,” ông Nguyễn Nam Hải kêu gọi.
Sự liên kết bền bỉ của các doanh nghiệp xuất khẩu với nông dân và sản phẩm hồ tiêu bền vững lại rất cần các nhà kinh doanh khơi thông thị trường xuất khẩu.
Theo TheSGTimes
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn