Thị trường gạo xuống dốc
Theo đánh giá chung của Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NNPTNT), 6 tháng đầu năm 2016 kinh tế thế giới phục hồi chậm, nhìn chung giá các mặt hàng nông sản ở mức thấp hơn so với năm 2015. Thị trường gạo, có xu hướng giảm giá từ tháng từ tháng 5.2016 cho tới nay, nguyên nhân là do Việt Nam chưa có các hợp đồng lớn từ các thị trường truyền thống như: Philippines, Indonesia.
Bốc dỡ gạo để xuất khẩu tại Cần Thơ. Ảnh: I.T
Thị trường gạo, có xu hướng giảm giá từ tháng 5.2016 cho tới nay. Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt việc xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Những năm trước, xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc rất lớn, nhưng năm nay rất khó khăn, vì chính sách nhập khẩu của Trung Quốc có sự thay đổi lớn”. Bà Bùi Thị Thanh Tâm
|
Bên cạnh đó, Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt việc xuất khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. “Những năm trước, xuất khẩu gạo tiểu ngạch qua Trung Quốc rất lớn nhưng năm nay rất khó khăn, vì chính sách nhập khẩu của Trung Quốc có sự thay đổi lớn, họ chuyển hướng sang nhập gạo từ Campuchia, Thái Lan, Myanmar...”- bà Bùi Thị Thanh Tâm-Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc cho biết.
Còn tại thị trường châu Phi, cũng theo bà Tâm, Thái Lan có đủ các loại phẩm cấp gạo để xuất khẩu sang châu Phi, từ gạo cấp thấp tới cấp cao, hơn nữa chi phí vận chuyển lại rẻ hơn Việt Nam. Bên cạnh đó, xuất khẩu sang châu Phi có nhiều rủi ro nên các doanh nghiệp Việt Nam cũng còn e ngại.
Bên cạnh đó, ông Huỳnh Thế Năng - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: “Theo Chương trình giám sát theo Nghị định thư về gạo và cám của Trung Quốc, chưa có công ty khử trùng, giám định gạo nào của Việt Nam được phía Trung Quốc công nhận, khiến việc xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn. Họ sẽ cử các chuyên gia sang làm việc với Việt Nam về vấn đề này trong tháng 11.2016”.
Chính vì việc không kiểm soát được chất lượng nên xuất khẩu nông sản của Việt Nam ở một số thị trường suy giảm mạnh. “Từ năm 2013 tới nay, chúng ta không xuất khẩu sang Nhật Bản được hạt gạo nào. Năm 2014 xuất sang Mỹ được 70.000 tấn gạo chất lượng cao, thì Thái Lan bán được 400.000 tấn. Tuy nhiên, đến năm 2015, Thái Lan bán được trên 400.000 tấn thì Việt Nam chỉ xuất được 44.000 tấn. Xuất sang EU thì giảm dần từ 24.000 tấn xuống còn 20.000 tấn năm 2014; 18.000 tấn năm 2015 và sẽ giảm nữa”- ông Năng nói.
Cần sự can thiệp của Chính phủ
Để gỡ khó trong việc xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm cho rằng: “Rất cần có sự can thiệp của Chính phủ để ký các hợp đồng xuất khẩu đối với mặt hàng gạo. Ngoài ra, cần tháo gỡ những rào cản kỹ thuật, thuế quan tại các thị trường Mexico, Mỹ… Đồng thời giảm thuế VAT cho các doanh nghiệp xuất khẩu, để họ xây dựng thương hiệu”.
Ngoài ra, ông Năng cũng đề nghị Bộ NNPTNT giúp đỡ kinh phí để các chuyên gia Trung Quốc sang Việt Nam kiểm tra, công nhận cho các công ty Việt Nam có đủ tiềm lực xuất khẩu sang Trung Quốc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Để tăng cường xúc tiến thương mại, ông Lê Văn Bảnh- Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết: “Bộ NNPTNT sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài liên kết để tăng cường xuất khẩu. Đặc biệt là tìm đầu ra cho thị trường gạo tại các nước như: Indonesia, Philippines, thị trường châu Phi. Tập trung xây dựng thương hiệu gạo, dự kiến tới 11 năm nay sẽ hoàn thiện bộ tiêu chuẩn chất lượng gạo, đầu năm năm 2017 sẽ thi thiết kế logo thương hiệu gạo quốc gia”.
Tiếp thu các đề nghị của doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết: “Bộ sẽ lắng nghe ý kiến của tất cả các hiệp hội ngành hàng, kịp thời đề xuất tới các bộ, ngành liên quan để nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, tín dụng, thuế… cho ngành, cho các doanh nghiệp, hiệp hội. Bên cạnh đó, bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương tập trung sản xuất, đối phó lại các ảnh hưởng từ bão lụt, hạn hán, xâm nhập mặn để đáp ứng đủ nguồn cung cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu”.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn