23:16 EST Thứ sáu, 27/12/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » Nhà nông cần biết » Thị trường


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Hợp tác công - tư: Góp phần nâng cao giá trị cà phê Việt

Thứ hai - 18/12/2017 06:08
Sau gần 10 năm triển khai mô hình hợp tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực cà phê do Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và PTNT) và Nestlé Việt Nam thực hiện, năng suất cà phê tăng hơn 17% trong giai đoạn 2015-2016; mức thu nhập trung bình của nông dân trồng cà phê tăng lên khoảng 14%. Mô hình PPP đã góp phần tích cực vào thực hiện chuỗi liên kết và phát triển bền vững nhằm đưa Việt Nam trở thành điểm tham chiếu cà phê Robusta trên thế giới.
 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường (bên trái) thăm vườn cà phê tham gia chương trình Nescafe Plan của ông Nguyễn Đăng Tỉnh ở thị trấn Nam Ban, Lâm Hà (Lâm Đồng).

Nâng cao giá trị cà phê Việt

PPP trong lĩnh vực cà phê hiện thu hút rất ít doanh nghiệp tham gia. Khi thực hiện mô hình, khối công (Nhà nước - PV) có nhiệm vụ xây dựng mục tiêu và định hướng, liên kết với các chương trình phát triển trọng điểm quốc gia; hỗ trợ đối tác tư nhân tiếp cận mạng lưới chuyên gia và tổ chức thuộc khu vực công; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và liên kết doanh nghiệp - nông dân…

Khối tư có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, dự án, mô hình thí điểm; giữ vai trò chủ đạo bảo đảm tài chính cho dự án; chuyển giao công nghệ mới, cung cấp đầu vào và  hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân; đảm bảo về  thị trường thông qua hợp đồng với các tổ chức nông dân…

Mô hình PPP cà phê được liên kết bởi  6 nhà theo chuỗi giá trị (sản xuất cà phê): nhà nông - nhà doanh nghiệp - nhà nước - nhà khoa học - nhà băng (ngân hàng) - nhà chứng nhận. Các bên cùng phối hợp hỗ trợ giá cả, kỹ thuật…, từ đầu vào (giống, vật tư, vốn,…) đến đầu ra (chất lượng, năng suất, tiêu thụ sản phẩm) để đảm bảo lợi ích an toàn, ổn định, hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và PTNT) kiêm Phó trưởng ban điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam (VCCB), ban được thành lập với mục tiêu cải thiện chất lượng cà phê, phổ biến các kiến thức đáng tin cậy, cập nhật về phát triển cà phê bền vững và kết nối giữa Chính phủ với các thành viên. Thời gian qua, VCCB đã góp ý, đề xuất, khuyến nghị nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất bền vững, thúc đẩy thương mại và liên kết bền vững ngành hàng cà phê Việt Nam.

Những năm qua, nhóm PPP cà phê rất nỗ lực và đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong hỗ trợ phát triển cà phê bền vững và các chương trình, đề án của Bộ Nông nghiệp và PTNT như: chương trình tái canh vườn cà phê. Từ năm 2010 đến nay, nhóm đã triển khai được tổng cộng 256 mô hình vườn mẫu và 3 hợp tác xã PPP tại 4 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng và Gia Lai).

Mô hình đã tổ chức các lớp tập huấn ToT cho 65 nhóm trưởng đại diện cho 12.004 nông dân tại 4 tỉnh để chia sẻ kinh nghiệm, giải quyết khó khăn và tăng cường năng lực cho mạng lưới khuyến nông; tổ chức 1.200 hội thảo đầu bờ (20.000 ngày tập huấn từ tháng 3/2011 - 10/2016) cho nông dân tại 4 tỉnh. Ước diện tích cà phê và số người trồng cà phê thụ hưởng từ các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của chương trình lên tới 130.000ha (20% tổng diện tích cà phê cả nước) và gần 250.000 lượt người (trong tổng số 500.000 hộ trồng cà phê).

Năng suất cà phê tăng thêm 12% trong giai đoạn 2010 - 2014 và tăng hơn 17% trong giai đoạn 2015 - 2016. Mức thu nhập trung bình (tính trong 5 năm) của nông dân trồng cà phê tăng lên khoảng 14%. Mô hình PPP cũng giúp làm tăng kích cỡ trái cà phê và phương pháp canh tác giúp cây cà phê khỏe mạnh hơn; giúp giảm 55% lượng phát thải nhà kính nhờ sử dụng phân bón.

 Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đăng Tỉnh ở thị trấn Nam Ban (Lâm Hà - Lâm Đồng) cho biết: “Gia đình có hơn 1ha cà phê. Năm 2014, tham gia chương trình Nescafe Plan, hiện thu hoạch được hơn 6 tấn hạt nhân/năm, so với trước kia, năng suất tăng 10-15%, thu nhập tăng 20%/năm. Không dừng lại ở đó, tôi và các hộ khác trong nhóm được hướng dẫn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong quá trình canh tác; được thu mua với giá tương đối ổn định”.

Theo ông Ganesan Ampalavanar, Tổng giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam, PPP là mô hình hợp tác khá phổ biến trên thế giới và không giới hạn số lượng doanh nghiệp tham gia dù đó là công ty có quy mô lớn hay nhỏ. Trong bối cảnh ngành cà phê Việt Nam hiện nay, hợp tác công - tư cần nhiều hơn nữa các công ty tham gia.

Tháo gỡ khó khăn

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, vài năm tới, Việt Nam cần tái canh khoảng 120.000ha cà phê. Hiện, năng suất trung bình đạt khoảng 2,5 tấn nhân/ha. Khi tái canh, khoảng 3 năm tiếp theo, vườn cà phê sẽ không cho thu hoạch. Như vậy, về lý thuyết, 1ha khi tái canh trong ba năm sẽ mất đi 7,5 tấn cà phê. Tính ra, mỗi năm, sản lượng cà phê giảm do tái canh vào khoảng 300.000 tấn.

Một nước đứng thứ hai thế giới về cà phê khi chiếm 17% sản lượng cà phê toàn cầu, mà trong đó hơn 90% là xuất khẩu thì việc giảm sản lượng chắc chắn lượng ngoại tệ thu về sẽ giảm theo là không tránh khỏi. Do đó, vừa có thể thực hiện tái canh cà phê, vừa không giảm tổng sản lượng toàn ngành đang là bài toán của ngành nông nghiệp.

Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nước ta là 1 trong 5 quốc gia trên thế giới bị tác động mạnh mẽ bởi biến đổi khí hậu. Năm 2016, hạn hán ở Tây Nguyên và tuyết rơi ở một số tỉnh trồng cà phê phía Bắc đã làm hàng vạn hecta cà phê bị chết và ảnh hưởng. Trong khi đó, phần lớn diện tích cà phê được trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước nên đã già cỗi và cần phải tái canh. Mặc dù diện tích cà phê cần phải tái canh trong 5 năm tới là khá lớn (hơn 140.000ha) nhưng nhìn chung, tiến độ thực hiện tại các tỉnh Tây Nguyên còn rất chậm chạp.

Trong khâu sơ chế, chế biến, chúng ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế như điều kiện sơ chế, bảo quản, tạm trữ cà phê chưa thực sự đảm bảo; nhà máy chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu; thiếu liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến; tỷ lệ cà phê chế biến sâu còn thấp.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề hiện nay mà ngành cà phê Việt Nam đang cần phải làm là thay đổi quy trình trồng, chăm sóc cà phê để giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận để bù vào sự sụt giảm sản lượng từ diện tích cà phê phải tái canh.

Về hướng tháo gỡ khó khăn, theo ông Phạm S, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, thời gian tới, Lâm Đồng sẽ đưa ra những giải pháp đột phá cho ngành cà phê đến năm 2025 như: quản lý quy hoạch phát triển cà phê với quy mô sản xuất theo chiều sâu, tập trung nâng cao năng suất và chất lượng; phân vùng phát triển cà phê để đầu tư trọng điểm công nghệ gắn với thị trường; xác định khoa học và công nghệ là then chốt để nâng cao giá trị cho ngành cà phê….

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, những năm gần đây, 90% sản lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam là sản phẩm thô, có giá trị thấp. Trong điều kiện nhu cầu về cà phê của thế giới ngày càng cao nhưng diện tích cà phê khó có thể mở rộng, ngành cà phê Việt Nam cần phải tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: Triển khai mạnh mẽ chương trình tái canh bằng những giống mới, có năng suất, sản lượng cao; đẩy mạnh và chế biến sâu, đặc biệt là chế biến cà phê hòa tan; đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; liên kết chuỗi trong sản xuất, chế biến cà phê để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê… Trên cơ sở đó, sản phẩm cà phê Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định được thương hiệu, tăng giá trị và sức cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Bộ trưởng cho rằng, con đường để ngành cà phê Việt Nam phát triển bền vững là đi theo hướng hợp tác công - tư (PPP). Vì thế, thời gian tới, sẽ tiếp tục tiếp thu kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nhằm hoàn thiện thông tư hướng dẫn, thúc đẩy nhanh tiến trình PPP, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo, nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của nông sản Việt.

Hoàng Văn/kinhtenongthon.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: cà phê

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 148


Hôm nayHôm nay : 37396

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 1215409

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 72898118