Hướng đi cho sản xuất và xuất khẩu cá tra
Tranh thủ sự ủng hộ
Đây là tin vui cho nông dân (ND) lẫn doanh nghiệp (DN) tham gia sản xuất, xuất khẩu cá tra ở ĐBSCL. Qua sự kiện này, một lần nữa cho thấy, cá tra Việt Nam luôn được người tiêu dùng Mỹ ưa chuộng. Năm 2011, Hiệp hội Thủy sản Mỹ (NFI) công bố, cá tra là một trong 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ. “Theo tôi, nhân sự kiện này, chúng ta cần tranh thủ sự ủng hộ từ phía các nghị sĩ Hoa Kỳ để việc đưa cá tra vào Mỹ được tiến xa hơn. Đây cũng là lúc các DN cần nhìn nhận lại cung cách làm ăn của mình. Chấn chỉnh lại cách làm ăn “chụp giựt”, “ăn xổi ở thì” trong gần 20 năm qua. Bởi thực tế cho thấy, Hiệp hội Cá nheo Mỹ luôn mong muốn cá tra VN bán vào thị trường Mỹ, giá phải cao để vừa bảo vệ cho ND lẫn DN 2 nước, vừa không gây ảnh hưởng xấu đến ngành công nghiệp cá nheo của nước sở tại” – ông Trần Thanh Tuấn, ngư dân xã Long Giang (Chợ Mới) bức xúc.
Ngược dòng sự kiện, Chương trình giám sát cá da trơn được Hoa Kỳ luật hóa tại đạo Luật Nông trại (Farm Bill 2008). Thời điểm đó, Quốc hội Hoa Kỳ đã đưa cá tra Việt Nam vào diện kiểm tra bắt buộc, việc này vốn đang được áp dụng đối với các loại thực phẩm có nguy cơ cao như thịt gia súc, gia cầm (các loại thịt đỏ). Điểm gây tranh cãi trong quy định này vào thời điểm đó là các sự cố an toàn thực phẩm xảy ra ở Mỹ không liên quan gì đến cá tra Việt Nam. Chính từ sự vô lý này đã làm dấy lên những làn sóng nghi ngờ. Dư luận cho rằng, động thái này Hoa Kỳ muốn hạn chế việc nhập khẩu cá tra từ Việt Nam để bảo vệ nền sản xuất trong nước. Do phản ứng quá mạnh từ phía Việt Nam và cộng đồng DN nhập khẩu sản phẩm tại Mỹ, năm 2008 và những năm sau đó, chương trình không được đưa vào thực thi như mong muốn của Hiệp hội các chủ trại nuôi cá nheo Mỹ. Mãi đến năm 2014, trong Farm Bill năm này, Chương trình giám sát cá da trơn một lần nữa được đề nghị luật hóa, trong đó Thượng Nghị sĩ Thad Cochran (người đại diện cho bang Mississippi và các bang của miền Nam nước Mỹ) là người hăng hái đấu tranh cho vấn đề này. Và lần này, họ đã xác định rõ phạm vi áp dụng là đối với tất cả các loài cá thuộc bộ Siluriformes. Đây là sự mở rộng phạm vi áp dụng của chương trình, đưa toàn bộ các sản phẩm cá tra vào diện kiểm tra bắt buộc.
Chấn chỉnh cách làm ăn
Năm 1996, khi những container cá basa đầu tiên của Agifish xuất vào Hoa Kỳ, giá bán lên đến 2,1 – 2,5 USD/Pound (tương đương 4,2 – 5 USD/kg). Xuất khẩu cá basa lúc đó đã giúp cho DN có lời, ND nuôi sống khỏe. Các nhà nhập khẩu sản phẩm ở Mỹ cũng có lợi nhuận ổn định. Ngay trong những năm đầu xuất khẩu cá basa (về sau là cá tra), sản phẩm này đã nhanh chóng được người tiêu dùng Mỹ cũng như các quốc gia khác chấp nhận. Lúc đó, việc quay tăng trọng, đưa phatphos, none phatphos (2 chất có tính năng ngậm nước) vào sản phẩm chưa được nghĩ tới, vì vậy sản phẩm bán vào Mỹ, sau khi rã đông, miếng file vẫn còn rất thơm, ngon. Về sau, miếng file bị các DN cấu kết với các nhà nhập khẩu để gian lận thương mại như đưa nước, chất phụ gia quá nhiều vào đó và giảm giá bán sản phẩm, làm cá nheo Mỹ một phen lao đao.
Năm 2004, cá tra xuất vào thị trường Mỹ chỉ có 7 triệu Pound. Đến năm 2014, con số này tăng lên 215 triệu Pound (tăng gấp 30 lần so với trước), trong khi mỗi năm, giá trị nhập khẩu cá da trơn của Hoa Kỳ cũng chỉ ở giới hạn khoảng 300 triệu USD. Sản phẩm cá tra Việt Nam đổ bộ vào thị trường Mỹ với sản lượng tăng nhanh khiến việc sản xuất cá da trơn của các chủ trại nuôi cá nheo gặp khó. Cụ thể, từ 630 triệu Pound năm 2004 xuống còn 340 triệu Pound năm 2012. Năm 2010, Mỹ chỉ sản xuất được hơn 400.000 Pound. “Để chấn chỉnh cách làm ăn với thị trường Mỹ, theo tôi phải bắt đầu từ khâu chất lượng sản phẩm. Việc sản xuất sản phẩm để đưa ra thị trường, bắt buộc phải sạch từ con giống, vùng nuôi cho đến bàn ăn. Muốn vậy, các DN, ND cần tuân thủ một cách nghiêm ngặt các tiêu chuẩn mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo. Ở khâu chế biến sản phẩm, Nhà nước cần có cơ chế quản lý các DN làm ăn gian dối, loại trừ các DN không đủ điều kiện để tránh tình trạng “một con sâu làm sầu nồi canh” – ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm HTX Thủy sản Châu Phú, kiến nghị.
Mặc dù Nghị quyết hủy bỏ Chương trình giám sát cá da trơn được Thượng viện thông qua nhưng chương trình này còn phải được đưa ra Hạ viện để bỏ phiếu. Tiếp đó, đệ trình lên Tổng thống Barack Obama ký sắc lệnh ban hành. Đây mới chỉ là thành công bước đầu (nhưng rất quan trọng), tạo đà cho việc tiếp tục vận động, đấu tranh tại Hạ viện trong thời gian tới. |
Nguồn: baoangiang.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn