Thị trường gạo nếp “đóng băng” vì Trung Quốc áp thuế bổ sung. Trong ảnh là ruộng lúa nếp của nông dân. Ảnh: Trung Chánh
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Trần Quốc Tuấn, một đầu mối chuyên thu gom lúa nếp cho các doanh nghiệp xuất khẩu ở ĐBSCL cho biết, thị trường loại sản phẩm này ở khu vực ĐBSCL hiện gần như đã "đóng băng" vì không xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo đó, giá lúa nếp tươi thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp ở ĐBSCL đã nhanh chống giảm mạnh xuống chỉ còn 4.400 - 4.500 đồng/kg so với mức 6.100 - 6.200 đồng/kg đã được ghi nhận trong năm nay; giá gạo nếp cũng nhanh chóng giảm từ mức 11.800 - 12.000 đồng/kg xuống chỉ còn trên 8.200 - 8.300 đồng/kg.
“Hiện chỉ còn vài đầu mối còn thu mua để trữ hàng chờ giá, chứ hoàn toàn không ra được vào lúc này, dù có ra hàng cũng lỗ”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Lý do thị trường gạo nếp sụt giảm mạnh và gần như "đóng băng" được lý giải do thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc áp thuế bổ sung thêm 45%, tức từ mức 5% lên 50% và được áp dụng kể từ ngày 1-7-2018 vừa qua.
Bà Lưu Thị Lan, Phó giám đốc Công ty cổ phần Gentraco cho biết việc thị trường Trung Quốc thay đổi thuế nhập khẩu đối với mặt hàng gạo nếp từ 5% lên 50% cũng như biến động giữa đồng nhân dân tệ so với đô la Mỹ khiến xuất khẩu gạo nếp vào Trung Quốc nói riêng và thị trường gạo nói chung giảm mạnh. Điều này, dẫn đến thị trường nội địa cũng gần như "đóng băng" như nêu ở trên.
Được biết, thời gian qua Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chiếm trên 90% tổng lượng gạo nếp xuất khẩu hàng năm của Việt Nam.
Thông tin từ các doanh nghiệp chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo cho biết, tháng 6-2018 khối lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc của Việt Nam thấp nhất kể từ đầu năm 2018, chỉ đạt chưa đến 50.000 tấn, giảm khoảng 220.000 tấn so với tháng cao nhất là tháng 4-2018.
Theo thesaigontime.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn