Sản xuất gà con tại Công ty Phú Gia. |
Sự kiện này đánh dấu bước ngoặt trong việc đưa gia cầm Việt Nam vươn ra thế giới.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn đổi mới nền nông nghiệp. Đến nay, nước ta tuy đã sản xuất phục vụ đủ nhu cầu thực phẩm tiêu dùng trong nước nhưng các doanh nghiệp muốn đưa hàng nông sản vươn ra thế giới còn nhiều thách thức. Điều này khiến việc xây dựng các chuỗi sản xuất khép kín đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế trở thành yếu tố then chốt của ngành nông nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp đã chủ động xây dựng các chuỗi liên kết nhằm hạ giá thành sản xuất, nâng cao năng suất, giá trị, chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới. Nắm bắt xu thế đó, để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn nữa, năm 2012, Công ty CP Nông sản Phú Gia (Công ty Phú Gia) đã tìm một hướng đi mới cho hoạt động chăn nuôi của đơn vị.
Thời điểm đó, Công ty Phú Gia lựa chọn ngành nghề sản xuất, kinh doanh chính là sản xuất thức ăn chăn nuôi; chăn nuôi bò, lợn, gà. Sau nhiều năm trăn trở, nghiên cứu thị trường, năm 2016, Công ty Phú Gia bắt tay vào việc xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi gà xuất khẩu 4A (an toàn đầu tư – an toàn thực phẩm – an toàn dịch bệnh và an toàn môi trường).
Theo ông Phạm Thanh Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Phú Gia, đó là thời điểm tạo ra bước ngoặt lớn trong tư duy chăn nuôi của công ty. Sứ mệnh của công ty vừa tạo ra chuỗi giá trị nhưng đồng thời cũng thay đổi nhận thức người chăn nuôi.
“Phải thẳng thắn nhìn nhận, nền chăn nuôi của Việt Nam còn những yếu kém, nhất là chăn nuôi gia cầm. Điều này tạo ra những sản phẩm có giá thành sản xuất cao, thiếu tính ổn định bền vững và chất lượng không đáp ứng nhu cầu các nước trên thế giới. Lúc sản xuất ra nhiều thì cung vượt cầu, giá cả bấp bênh, dịch bệnh thường xuyên xảy ra”, ông Hà trăn trở.
"Vì sao công ty lại chọn con gà để hướng tới thị trường thế giới?", tôi hỏi. Ông Hà cho biết, gà là đối tượng nuôi tạo ra nguồn thực phẩm bổ dưỡng, dễ chế biến. Nếu được đầu tư công nghệ tự động hóa trong chăn nuôi, giết mổ thì giá thành chăn nuôi gà có thể giảm hơn nữa. Hiện nay, giá thành chăn nuôi gia cầm của ta còn khá cao, tính cạnh tranh yếu, trong khi thịt gà ngoại luôn tìm cách xâm nhập thị trưởng Việt Nam.
Bên cạnh đó, người Việt Nam có truyền thống chăn nuôi gà từ rất lâu đời, địa hình các huyện miền núi dễ bố trí các trang trại chăn nuôi gà, chi phí xây dựng trang trại không quá lớn so với nhiều đối tượng nuôi khác như trâu bò, lợn; phân gà rất có giá trị đối với cây trồng và ít gây ô nhiễm đối với môi trường. Đó chính là lý do, Công ty Phú Gia chọn "đột phá khẩu" là con gà để đầu tư.
Không những chọn con gà, vài năm lại đây Công ty Phú Gia lựa chọn đối tượng nuôi là bê đực sữa cho thịt. Về điều này, ông Hà cho rằng, đó là cách mà công ty đang hướng tới nhằm đáp ứng nhu cầu thịt bò trong nước với chi phí sản xuất thấp nhất: “Một con bê sữa đực 1 ngày tuổi mua từ các trang trại bò sữa hiện nay đang có giá bán khá phù hợp. Sau 2-3 năm có thể cho sản lượng thịt 5-6 tạ/con. Nếu bà con xây dựng được các trang trại chăn nuôi bê đực sữa thì sẽ giảm được giá thành sản xuất để phục vụ tốt hơn nhu cầu thịt bò trong nước”. |
Để hướng tới mục tiêu xuất khẩu, ngay từ đầu, Công ty Phú Gia đã nghĩ tới việc liên doanh với các đối tác xứng tầm: “Muốn tạo ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế, chúng ta buộc phải đi học hỏi những đối tác xứng tầm. Họ có kinh nghiệm hàng trăm năm trong lĩnh vực chăn nuôi; có công nghệ hiện đại, tự động hóa trong sản xuất.
Yếu tố này rất quan trọng bởi chỉ có thay đổi công nghệ và học hỏi kinh nghiệm từ những nước tiên tiến mới mang lại cho doanh nghiệp hành trang vững vàng trên đường hội nhập quốc tế”, ông Phạm Thanh Hà chia sẻ.
Để hiện thực hóa giấc mơ vươn ra thế giới, Công ty Phú Gia sang tận trời Âu để học hỏi các mô hình liên kết chăn nuôi, chế biến sản phẩm từ Tập đoàn Master Good. Đây là tập đoàn lớn của Hungary có trên 100 năm kinh nghiệm với 4 thế hệ chăn nuôi gà.
Bước sang trời Âu, ông Hà mới thực sự thấy khoảng cách quá xa giữa một nền chăn nuôi lạc hậu so với nền chăn nuôi tiên tiến của đất nước này.
Chỉ trong 3 năm, Công ty Phú Gia đã tổ chức 6 đợt với hàng trăm lượt người lao động sang Hungary học hỏi kinh nghiệm tổ chức chăn nuôi, quản lý vận hành hệ thống, thú y và kể cả thiết kế xây dựng các trang trại chăn nuôi.
Một dự án lớn đã được xây dựng từ Thanh Hóa đổ ra các tỉnh phía Bắc với 10 hạng mục gồm sản xuất con giống, sản xuất gà thịt, nhà máy giết mổ, chế biến xuất khẩu, sản xuất phân bón hữu cơ từ phân gà… và 18 công trình lớn nhỏ. Toàn bộ hệ thống được đầu tư bằng công nghệ hiện đại tự động hóa 4.0, thiết bị do châu Âu sản xuất.
Đến thời điểm khánh thành Nhà máy giết mổ chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis, chuỗi giá trị này đã hoàn thành được 6/10 hạng mục; công suất sản xuất của chuỗi giai đoạn 1 đạt 8 triệu con gà thịt/năm.
Giai đoạn 2 (2019-2023) dự kiến chuỗi gà thịt sẽ tăng lên 16 triệu con/năm. Trong đó, hạng mục Nhà máy giết mổ chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis có tổng mức đầu tư trên 300 tỷ đồng; được xây dựng trên diện tích 5,3 ha, công suất giết mổ 2.500 con/giờ. Nhà máy được đầu tư công nghệ tự động hóa theo tiêu chuẩn châu Âu. Sản phẩm giết mổ hướng đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore.
|
Phối cảnh 3D Nhà máy giết mổ chế biến gia cầm xuất khẩu Viet Avis. |
Đến thời điểm này, Công ty Phú Gia đã sản xuất con giống 2 giống gà lông trắng và gà lông màu tại trang trại Xuân Phú (huyện Thọ Xuân) với quy mô 16 triệu con/năm. Thức ăn chăn nuôi được sản xuất tại nhà máy ở Khu công nghiệp Lễ Môn với công suất 100.000 tấn/năm, ứng dụng công nghệ sản xuất không kháng sinh, không chất cấm.
Ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Công ty Phú Gia khẳng định: “Chăn nuôi gà công nghệ cao - 4A là chuỗi sản xuất mang tính chiến lược, phù hợp với xu hướng phát triển giai đoạn hiện nay. Chuỗi sẽ đầu tư tập trung, sử dụng các biện pháp an toàn sinh học, chủ động kiểm soát dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế lại tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.
Riêng tại tỉnh Thanh Hóa, hiện đã có trên 10 huyện tham gia mô hình liên kết, trong đó 3 huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn và Ngọc Lặc sẽ triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh: “Để liên kết với Phú Gia nuôi gà đạt tiêu chuẩn xuất khẩu phải là những trang trại có nguồn lực lớn. Những trang trại này mới đáp ứng được tính ổn định trong sản xuất; thuận tiện áp dụng công nghệ trong chăn nuôi. Với những hộ dân có nguồn lực nhỏ, chúng tôi liên kết phục vụ thị trường trong nước. Khi đã liên kết với Phú Gia, chúng tôi chịu trách nhiệm hoàn toàn về an toàn dịch bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm”, ông Phạm Thanh Hà cho biết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn