Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy từ tháng 1 - 7, cả nước đã nhập siêu 2,53 tỉ USD và theo dự báo con số nhập siêu còn có thể gia tăng. Để hạn chế mức nhập siêu đang là bài toán không dễ.
Nhập từ sắt thép đến rau củ quả
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 7 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu (NK) cả nước đạt 117,83 tỉ USD, tăng 23,6% so với cùng kỳ năm 2016. Dù Trung Quốc tiếp tục dẫn đầu về thị trường cung cấp hàng hóa cho VN nhưng mức nhập siêu lớn nhất của VN lại từ Hàn Quốc, chủ yếu từ việc NK nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ tăng quá mạnh khiến con số nhập siêu từ nước này lên hơn 18,5 tỉ USD, trong khi nhập siêu từ Trung Quốc là 15,9 tỉ USD. Điều này được lý giải do các hoạt động đầu tư của Hàn Quốc ngày càng gia tăng tại VN đã kéo theo nhu cầu NK máy móc, nguyên vật liệu của các doanh nghiệp FDI Hàn Quốc gia tăng. Tiếp đến, những tác động từ Hiệp định thương mại tự do VN - Hàn Quốc có hiệu lực từ cuối năm 2015 - đang dần giúp đẩy mạnh giao thương giữa hai nước.
Ngoài Hàn Quốc, nhập siêu của VN từ Thái Lan trong 7 tháng cũng đạt hơn 3 tỉ USD, tăng thêm 465 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Mức thâm hụt thương mại từ Thái Lan đã tăng mạnh trong 2 năm qua, chủ yếu do NK tăng cao trong khi xuất khẩu từ VN lại suy giảm hoặc tăng thấp. Hàng hóa nhập từ Thái Lan tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó tăng mạnh nhất là ở một số nhóm hàng như rau quả, xăng dầu các loại, hóa chất, sản phẩm hóa chất, máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, ô tô nguyên chiếc các loại; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện…
| | | Thâm hụt thương mại của VN với các nước như là một căn bệnh kinh niên kéo dài nhiều năm qua nên sẽ khó giải quyết được trong ngắn hạn. Chỉ có áp dụng giải pháp giải quyết được nguồn gốc vấn đề là nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước để người tiêu dùng chấp nhận và lựa chọn sử dụng thay vì mua hàng nhập | | | Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long | | |
Trong cơ cấu hàng hóa nhập vào VN thời gian qua, ngoài các loại máy móc thiết bị, nguyên phụ liệu sản xuất, còn khá nhiều các sản phẩm tiêu dùng như NK gần 9 triệu tấn sắt thép các loại với trị giá 5,24 tỉ USD, tăng 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước; nhập 57.800 ô tô nguyên chiếc các loại có trị giá 1,21 tỉ USD; 7,44 tỉ USD nhập điện thoại các loại và linh kiện. Thậm chí VN cũng mua rau quả từ các nước trị giá 852 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước và Thái Lan là nước cung cấp lớn nhất lượng hàng này. Rau củ quả được nhập về VN chủ yếu là táo, cam, lê, kiwi, cherry (New Zealand, Úc), xoài, mãng cầu, me (Thái Lan), bắp cải, xà lách, khoai tây (Trung Quốc)... Nhiều loại trái cây nhập từ Hàn Quốc, Thái Lan, Úc dù có giá cao, nhưng vẫn có sức tiêu thụ tốt, đặc biệt là ở các khu vực thành phố.
Dùng giải pháp chặn từ “gốc”
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nếu như chỉ nhập siêu các loại hàng hóa máy móc, nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất thì không đáng lo. Nhưng phải tính đến câu chuyện hạn chế nhập siêu các sản phẩm tiêu dùng, đặc biệt là những mặt hàng trong nước đã sản xuất được như sắt thép xây dựng hoặc rau củ quả.
Chuyên gia này phân tích: Sản phẩm Thái Lan đã và đang thâm nhập dễ dàng vào thị trường VN là điều đáng để xem xét bởi các sản phẩm này đều tương đồng với hàng VN, nhưng lại được người tiêu dùng trong nước thích hơn. Trong khu vực ASEAN chúng ta không thể sử dụng hàng rào thuế quan, thậm chí hàng rào kỹ thuật cũng khó ngăn được hàng hóa Thái Lan vì họ có thể đáp ứng được các tiêu chí này. Vì vậy, chỉ có thể tự nâng cao năng lực sản xuất trong nước để tăng tính cạnh tranh của hàng VN. Riêng đối với một số hàng hóa khác không khuyến khích sử dụng như ô tô siêu sang thì có thể tính đến giải pháp áp dụng công cụ thuế quan để điều tiết, giảm bớt nhập siêu…
“Thâm hụt thương mại của VN với các nước như là một căn bệnh kinh niên kéo dài nhiều năm qua nên sẽ khó giải quyết được trong ngắn hạn. Chỉ có áp dụng giải pháp giải quyết được nguồn gốc vấn đề là nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa trong nước, để người tiêu dùng chấp nhận và lựa chọn sử dụng thay vì mua hàng nhập. Các giải pháp cũng được nhiều bộ ngành đưa ra cụ thể nhưng quan trọng nhất là việc triển khai thực hiện phải được thực hiện đồng bộ, không để diễn ra tình trạng trên thông dưới nghẽn thì không có giải pháp nào đạt được hiệu quả”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Văn Ngãi, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cũng cho rằng việc chi ra hàng tỉ USD để mua sản phẩm trong nước không có cũng là điều dễ hiểu. Nhưng là nước nông nghiệp lại đi NK gần cả tỉ USD sản phẩm rau củ quả, trái cây từ trái xoài, trái me đến chôm chôm... từ Thái Lan là điều khó chấp nhận. Vì vậy cần phải thay đổi căn cơ hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trước tiên là vấn đề công tác về giống cây trồng cần được đầu tư, đưa ra các giống cây đạt năng suất và chất lượng. Thứ hai và quan trọng hơn là đảm bảo sản xuất an toàn thông qua kiểm soát chặt việc sử dụng hóa chất trong nông nghiệp.
“Thay đổi hoạt động sản xuất để cung cấp hàng hóa chất lượng và đảm bảo an toàn mới lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng. Hơn nữa, nếu hàng hóa VN hay doanh nghiệp VN không mạnh lên thì có nghĩa sẽ chết đi khi hàng ngoại ngày càng tràn ngập thị trường trong nước. Những vấn đề này không đơn giản để thực hiện được ngay nhưng bắt buộc chúng ta phải làm để dần dần tiến tới hạn chế nhập siêu”, TS Nguyễn Văn Ngãi nhấn mạnh.
Mai Phương/thanhnien.vn