Xuất khẩu tôm đang có dấu hiệu suy giảm.
Đòi hỏi ngày một cao
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam có lợi thế xuất khẩu thủy sản- trong đó có tôm- sang các thị trường mà ta đã ký kết hiệp định thương mại tự do (FTA) như Úc, Hàn Quốc, EU... Nhưng từ đầu năm 2018 tới nay, thực tế cho thấy khi mà nhiều quốc gia siết chặt hàng rào kỹ thuật, lợi thế về thuế quan không còn nữa. Nhiều quốc gia nhập khẩu đã cử người tới tận vùng tôm nguyên liệu kiểm tra dịch bệnh, kiểm tra phòng xét nghiệm, chuỗi sản xuất tôm…Cùng đó, những quốc gia sản xuất tôm cũng hạ giá như một vũ khí cạnh tranh.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tại thị trường Nhật Bản, tôm Việt Nam bị tôm Ấn Độ cạnh tranh gay gắt. Tính đến hết tháng 4, xuất khẩu tôm Việt Nam vào Nhật Bản giảm 9,3% so với năm 2017 và chỉ đạt 175 triệu USD.
Trong một diễn biến khác, tháng 3, phía Úc cử đoàn công tác sang Việt Nam đánh giá hoạt động kiểm soát hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm. Nhắc lại, ngay từ đầu năm 2017, Chính phủ Australia đã thực thi lệnh khẩn cấp cấm nhập khẩu tôm và thịt tôm chưa nấu chín, kể cả tôm đã được tẩm ướp dùng cho người vào thị trường này do liên quan đến dịch bệnh virus đốm trắng. Trong khi đó, Việt Nam là một trong những nhà cung cấp tôm lớn nhất cho thị trường Australia, chiếm tỷ trọng khoảng trên 30% tổng giá trị nhập khẩu tôm vào nước này.
Tới tháng 6, Bộ Thủy sản và Hải dương Hàn Quốc (MOF) cũng cử một đoàn sang kiểm tra nguồn tôm Việt Nam. Mới đây, khu vực Trung Đông (Kuwait và Arab Saudi) tạm ngưng nhập khẩu tôm Việt Nam vì nghi ngờ xuất hiện virus bệnh đốm trắng và bệnh hoại tử gan tụy cấp tính. Còn tại thị trường Mỹ, con tôm Việt Nam liên tục phải đối mặt với thuế chống bán phá giá và chương trình giám sát nhập khẩu (SIMP) của Bộ Thương mại nước này.
Phải chăng điều đó đã kéo giảm tốc độ phát triển của ngành nuôi và chế biến xuất khẩu tôm của Việt Nam, khi mà xuất khẩu tôm tháng 4 giảm 0,4%; tháng 5 giảm gần 10%; tháng 6 tiếp tục giảm 0,7% so với cùng kỳ 2017? Chuỗi suy giảm đó đặt ra những vấn đề cần phải được giải quyết.
Sự sụt giảm này kéo tổng xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp, chỉ đạt 1,6 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
Từ sản xuất tới thị trường
Từ thực tế đó, nhiều chuyên gia kinh tế và chủ doanh nghiệp cho rằng, năm 2018, khó có thể đạt con số 3,4 tỷ USD xuất khẩu tôm (trong khi mục tiêu từ 9-10 tỷ USD đến năm 2025).
Theo GS.TS Bùi Chí Bửu- nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam, thị trường tôm thế giới hiện khoảng hơn 12 tỉ USD. Con số này chia sẻ cho nhiều nước như Ấn Độ, Ecuador, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Bangladesh… nên thị phần của con tôm Việt Nam khó có thể cao được. Trong khi đó, kỹ thuật sản xuất con giống của Việt Nam lại khá yếu, khiến tỷ lệ hao hụt khi thả nuôi rất cao, đến 70%.
Trong khi tỷ lệ nuôi tôm công nghiệp của Việt Nam chưa khi nào vượt quá con số 15%. Tôm giống là “đầu vào” trong khi chúng ta lại chưa quản lý được sẽ dẫn đến chất lượng đầu ra của sản phẩm. Trong khi đó, tiêu chuẩn về tồn dư hóa chất, kháng sinh từ các nước nhập khẩu ngày càng khắt khe
Khi mà một số quốc gia ngừng hoặc giảm nhập khẩu tôm Việt Nam, hoặc cử đoàn công tác tới tận nơi trực tiếp kiểm tra, giám sát, đánh giá chất lượng..., thì các nhà nhập khẩu nhiều thị trường sẽ chờ đợi, đó lại thêm một bất lợi cho xuất khẩu tôm.
Đi tìm nguyên nhân và lời giải cho bài toán xuất khẩu tôm, giới chuyên gia cho rằng phải đặt vấn đề quan trọng ở cả hai khâu: Sản xuất và thị trường. Sản xuất, có nghĩa là phải lo tốt từ khâu giống, kỹ thuật nuôi thả, kiểm soát lượng tồn dư kháng sinh, kỹ thuật chế biến. Thị trường, có nghĩa là không hài lòng với những thị trường đã có sẵn mà phải tích cực mở rộng, nhất là đối với châu Phi. Bên cạnh đó phải luôn có tinh thần dám đương đầu với những vụ kiện bán phá giá, biết cách vượt thoát khỏi những rào cản thương mại tại nhiều quốc gia.
Tới thời điểm này, nhiều hộ nuôi tôm ở đồng bằng sông Cửu Long- khu vực nuôi tôm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã rục rịch “treo ao”. Điều đó cho thấy cần sớm có những giải pháp tổng thể cho vấn đề này.
Xuất khẩu tôm tháng 4 giảm 0,4%; tháng 5 giảm gần 10%; tháng 6 tiếp tục giảm 0,7% so với cùng kỳ 2017. Sự sụt giảm này kéo tổng xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm tăng trưởng thấp, chỉ đạt 1,6 tỉ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, năm 2018, khó có thể đạt con số 3,4 tỷ USD xuất khẩu tôm (trong khi mục tiêu từ 9-10 tỷ USD đến năm 2025). |
Đỗ Quang/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn