Ảnh minh họa
4 nguyên tắc xử lý nợ
Theo đó, Thông tư này hướng dẫn xử lý các khoản nợ vay của công ty nông, lâm nghiệp tại TCTD khi thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17/12/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp (sau đây viết tắt là Nghị định số 118/2014/NĐ-CP).
Dự thảo Thông tư đã đề xuất 4 nguyên tắc xử lý nợ như sau. Thứ nhất, khoản nợ vay TCTD của công ty nông, lâm nghiệp phải được chuyển giao, bảo toàn trong quá trình sắp xếp, đổi mới theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
Thứ hai, trước khi được sắp xếp, đổi mới theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, công ty nông, lâm nghiệp phải huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ vay cho TCTD hoặc thỏa thuận với TCTD về phương án trả nợ vay.
Thứ ba, việc xử lý khoản nợ vay được căn cứ vào Đề án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phương án trả nợ vay của công ty nông, lâm nghiệp phải khả thi và được thể hiện cụ thể trong Đề án sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp. Thời điểm xử lý khoản nợ vay là thời điểm chuyển đổi hoặc một thời điểm khác sau thời điểm chuyển đổi theo thỏa thuận giữa TCTD và công ty nông, lâm nghiệp.
Và cuối cùng, TCTD thực hiện xử lý khoản nợ vay đối với công ty nông, lâm nghiệp theo quy định tại Thông tư này. Những nội dung không được quy định trong Thông tư này thì TCTD thực hiện theo các quy định hiện hành.
Liên quan đến việc đối chiếu, xác nhận khoản nợ vay, Dự thảo Thông tư nêu rõ: TCTD chủ động kiểm tra, rà soát danh sách các khách hàng là công ty nông, lâm nghiệp thuộc diện sắp xếp, đổi mới. Sau khi công ty nông, lâm nghiệp có quyết định của cơ quan có thẩm quyền về thực hiện sắp xếp, đổi mới theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP, TCTD và công ty nông, lâm nghiệp phải thực hiện ngay việc đối chiếu, xác nhận khoản nợ vay cần phải xử lý, tài sản bảo đảm của khoản nợ vay trên cơ sở hợp đồng tín dụng, hồ sơ về tài sản bảo đảm tiền vay, giấy nhận nợ và các tài liệu khác có liên quan.
Được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ 1 lần
Dự thảo Thông tư cũng đưa ra các quy định cụ thể về Xử lý khoản nợ vay; Xử lý nợ vay đối với trường hợp đất của công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương quản lý mà tài sản trên đất hình thành từ nguồn vốn vay TCTD.
Liên quan đến việc Phân loại nợ và xử lý rủi ro, Dự thảo Thông tư nêu rõ: TCTD được xem xét, quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ như đã được phân loại trước khi cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khoản nợ vay phát sinh trước thời điểm công ty nông lâm nghiệp được sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 118/2014/NĐ-CP.
Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với các khoản nợ vay quy định tại khoản 1 Điều này chỉ được thực hiện 01 (một) lần trong vòng 02 năm kể từ ngày công ty nông, lâm nghiệp được tiếp tục duy trì, củng cố, phát triển và tái cơ cấu theo Điều 4, khoản 1, khoản 2 Điều 8 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP hoặc chuyển đổi thành ban quản lý rừng phòng hộ, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
TCTD phải thường xuyên rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi khoản nợ vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Khoản nợ vay đã được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư này nhưng khách hàng vẫn không trả được nợ khi đến hạn theo thời hạn cơ cấu lại thì TCTD không được tiếp tục giữ nguyên nhóm nợ và thực hiện phân loại khoản nợ vay theo quy định hiện hành...
(xem toàn văn Dự thảo Thông tư tại đây)
Minh Trí
theo thoibaonganhang
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn