Đó là ý kiến của Bộ Công thương tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 1.4. Theo Bộ này, đến ngày 23.2 năm nay Bộ đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo cho 99 doanh nghiệp (DN). Ngoài ra còn có 36 DN khác đang xin cấp phép.
Việc khống chế số lượng doanh nhân xuất khẩu gạo nhằm làm sao điều chỉnh định hướng kinh doanh của các thương nhân trong hoàn cảnh họ đầu tư quá tràn lan về kho bãi, cơ sở xay xát gạo gây nên tình trạng lãng phí, cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay.
Tuy nhiên, việc đặt ra con số cụ thể - 100 DN xuất khẩu gạo chẳng hạn - lại có những điều không phù hợp.
Thứ nhất là vi phạm cam kết của WTO về hạn chế số lượng. Thứ 2 là không đảm bảo cơ sở thực tiễn nếu có những DN có đủ điều kiện, có thị trường tốt mà chẳng may không lọt vào top 100 đó thì cũng thiệt thòi cho họ.
Quan điểm của Bộ Công thương trong trường hợp này là làm sao nâng cao năng lực của thương nhân thông qua một số điều kiện gián tiếp về mặt kỹ thuật như: địa bàn hoạt động, địa bàn kho chứa...
Trong thời gian tới, Bộ sẽ trình Chính phủ ban hành chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác xuất khẩu gạo, hy vọng nó sẽ đáp ứng được mong muốn của thương nhân và nông dân.