Tại hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư tín dụng nông nghiệp công nghệ cao” diễn ra ngày 4/7, một lần nữa, đại diện một số doanh nghiệp lại bày tỏ mong muốn được giảm lãi suất cho vay đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Đây là đề xuất không mới của các doanh nghiệp nông nghiệp. Đề xuất giảm lãi suất đã từng được các doanh nghiệp nhiều lần đưa ra tại những diễn đàn trước đây, song khả năng đáp ứng của các ngân hàng lại là chuyện khác.
Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, hiện các doanh nghiệp đã được tiếp cận với gói tín dụng nông nghiệp với mức lãi suất giảm tối đa là 1,5%/năm, song lãi suất vẫn đang ở mức cao đối với các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Do đa phần các dự án công nghệ cao đều phải sử dụng công nghệ máy móc nhập ở nước ngoài hoặc lắp rắp trong nước với chi phí lớn, thời gian sản xuất sản phẩm, thu hồi vốn tương đối lâu, nên mức giảm tối đa 1,5%/năm vẫn còn thấp. Các doanh nghiệp cho rằng, cần có những chính sách nới lỏng hơn cho các doanh nghiệp nông nghiệp.
Là người có thâm niên 22 năm hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty Công nông nghiệp Tiến Nông mạnh dạn đưa ra đề nghị giảm lãi suất xuống mức 3,5 - 4%/năm.
Ông Phong cho rằng, mức giảm lãi suất như vậy chính là cách nhà nước cùng doanh nghiệp chung tay nâng cao giá trị chuỗi nông nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về phía cơ quan chức năng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hiện nay, Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp nông thôn và đã có nhiều giải pháp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.
Ông Hùng khẳng định, ngành ngân hàng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và sẵn sàn chia sẻ với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao được vay đến 70% giá trị dự án không cần đảm bảo, theo ông Hùng, như vậy là rất mở.
“Nguồn vốn cho vay chủ yếu do các Ngân hàng thương mại cân đối từ nguồn vốn huy động trên thị trường. Do đó, để đảm bảo có nguồn vốn cho doanh nghiệp nông nghiệp vay với lãi suất ưu đãi, các ngân hàng phải tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng tín dụng”, ông Hùng cho biết.
TS Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng cho rằng, lãi suất cho vay của gói này về nguyên tắc phải theo quy luật của nền kinh tế thị trường, nhà nước không trực tiếp hỗ trợ giảm lãi suất của các tổ chức tín dụng mà chỉ thông qua việc định hướng doanh nghiệp sử dụng các công nghệ được hưởng ưu đãi theo Luật.
Ông Hùng chia sẻ thêm, ngành ngân hàng đã có nhiều cách đồng hành với doanh nghiệp như với khoản vay lớn, thời hạn cho vay có thể kéo dài hơn so với thông thường, đặc biệt là các doanh nghiệp đang trong giai đoạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, để tăng khả năng tiếp cận vốn, doanh nghiệp cần hình thành chuỗi sản xuất với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ, hình thành dự án đảm bảo các yêu cầu vay vốn. Khi đó, ngân hàng cho vay đối với dự án sẽ giảm chi phí của ngân hàng, đồng thời giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ được tiếp cận lãi suất vay ưu đãi.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến nay, hơn 32.000 hộ chăn nuôi và trên 4.000 doanh nghiệp đã được vay vốn.
Theo tính toán, khi ngân hàng cho doanh nghiệp nông nghiệp vay ở mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất thông thường từ 0,5% - 1,5%/năm thì các ngân hàng đã phải chấp nhận giảm lợi nhuận. Vì thế, nếu áp dụng mức giảm lãi suất 3,5 – 4% như đề nghị của các doanh nghiệp thì ngân hàng rất khó có thể đáp ứng, bởi với mức giảm đó, các ngân hàng không đảm bảo được hoạt động.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nông nghiệp vẫn có thể hy vọng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới. Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho biết, tới đây, Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia sẽ họp bàn về vấn đề giảm lãi suất. Trong bối cảnh lạm phát ổn định, áp lực lên lãi suất và tỷ giá không nhiều là cơ sở để có thể giảm lãi suất cho vay và hướng dòng tín dụng vào sản xuất.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn