“Bảo cả, trả nửa”
Sáng 4.8, trong vai một bà nội trợ tìm mua hoa quả sạch, chúng tôi tìm đến chợ Hà Đông. Ghé cửa hàng hoa quả ở đầu cổng chợ phía đường Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội), bà chủ đon đả mời chào: “Xem hàng đi em. Lê miền Nam đấy. Hàng trong thùng “chuẩn”, 35.000 đồng/kg. Hàng ngoài này 30.000 đồng/kg và loại bé - hơi xấu kia thì 20.000 đồng/kg”.
Vừa nói, bà chủ vừa thoăn thoắt nhặt quả từ trong thùng cho ra sạp. Khi chúng tôi mặc cả loại 30.000 đồng/kg, bà chủ hàng khoát tay bán liền 3 kg với số tiền chỉ 17.000 đồng/kg. Tuy nhiên, đáng nói là các thùng hoa quả này đều là thùng giấy màu trắng, có in chữ Trung Quốc màu đỏ, không nhãn mác, không có phụ đề tiếng Việt. Các thùng xếp chồng lên nhau để bán hết đến đâu thì chủ nhân khui đến đấy. Bên cạnh đó là các thùng màu hồng đỏ, kích thước to hơn và cũng in hoàn toàn bằng chữ Trung Quốc, dùng để đựng quả thanh long.
Người phụ nữ này khẳng định, những thùng lê này là của miền Nam nhưng đóng trong vỏ hộp Trung Quốc.
“Lê này để được lâu không chị? Sao chị bóc từ thùng chữ Trung Quốc ra thế kia? Là hàng Tàu à”? Chúng tôi vờ ngơ ngác hỏi. “Tàu đâu mà Tàu, hàng miền Nam xịn cả đấy. Hàng Việt Nam nhưng đóng trong thùng chữ Tàu thì bọn tôi biết làm sao được”(?). Khi chúng tôi hỏi sang hàng thanh long, chủ sạp hàng vừa dùng dao rạch thùng đỏ bên cạnh, lôi ra những quả thanh long tươi hơn bên ngoài: “35.000 đồng/kg loại đẹp. Loại dưới rổ này 30.000 đồng/kg. Thanh long miền Nam, ăn ngon mai lại đến nhá”, bà chủ sạp hàng liến thoắng. Dạo quanh các hàng hoa quả trong chợ này, rất nhiều hàng đang đóng hoa quả trong các loại thùng giấy, thùng xốp có chữ Trung Quốc. Trong đó, thùng xốp được ghi bằng bút mực hoặc dán viền nilon có chữ Trung Quốc.
Lê, táo chỉ có ngoài Bắc
Chủ các sạp hàng thản nhiên lấy táo, lê từ các thùng Trung Quốc ở phía sau và bán cho khách hàng với “danh” hoa quả miền Nam. ảnh: TG
Đó là khẳng định của ông Kỳ với PV vào sáng 4.8 khi trao đổi về việc nhiều tiểu thương cho rằng lê, táo đóng trong thùng Trung Quốc là hàng trái cây “xịn” của miền Nam. Cũng theo ông Kỳ, việc hoa quả Trung Quốc nhập lậu đã có từ lâu. Nhiều tiểu thương còn giả vờ bôi đất đỏ vào củ cà rốt để lừa đó là cà rốt Đà Lạt vì thế, nếu có “làm giả” hoa quả cũng là điều dễ hiểu. Về các loại quả như lê, táo đỏ (miền Nam gọi là trái bom), mận… là loại quả xứ lạnh. Với đặc điểm thời tiết nóng như miền Nam, không thể trồng được các loại trái ôn đới này. “Nếu có bán các loại quả này ở miền Nam, thì đều là hàng nhập khẩu. Và, tôi có thể khẳng định, các loại quả này chỉ có ở ngoài Bắc mới trồng được”, ông Kỳ cho biết.
Theo PGĐ Kinh doanh Cty Cổ phần Nông sản Thực phẩm Lâm Đồng, ở Đà Lạt cũng không trồng được các loại quả táo to màu đỏ rực hoặc lê vàng, lê xanh (loại quả to) đang bán trên thị trường miền Bắc hiện nay. Vì thế, nếu nói đây là các loại quả từ vùng lạnh Đà Lạt cũng không đúng. Được biết, các loại hoa quả nhập khẩu theo đường chính ngạch có quy trình kiểm dịch, thủ tục hải quan nghiêm ngặt từ phía nước xuất và nước nhập. Do những thủ tục gắt gao nên nhiều tiểu thương “phù phép” hoa quả Trung Quốc nhập lậu thành hoa quả Việt Nam để đánh lừa người tiêu dùng.
Trao đổi với PV, ông Đặng Văn Hoàng, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm dịch Thực vật Vùng II cho biết, hoa quả nhập lậu Trung Quốc rất khó để phân biệt so với hàng chuẩn bởi lẽ Trung Quốc hiện nay đã nhập các loại giống của Mỹ, Đài Loan, Hàn Quốc để trồng nên sản phẩm giống y hệt của các nước đó. Với những người đã từng làm lâu trong ngành này mới có thể phân biệt được nên người tiêu dùng dễ bị đánh lừa.
Trả lời câu hỏi có hay không việc một số loại hoa quả được chính người bán khẳng định là dùng hóa chất để tẩy cho màu sắc đẹp mắt, ông Đặng Văn Hoàng, cho biết, theo kết quả kiểm định chất lượng của Chi cục vùng II và đã gửi mẫu đi giám định, các sản phẩm hoa quả Trung Quốc nhập khẩu chính ngạch đều có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật dưới ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, nhiều tiểu thương vận chuyển hoa quả theo đường tiểu ngạch, vận chuyển lậu nên không thể khẳng định các loại này có đảm bảo hay không. Vì vậy, theo ông, người tiêu dùng nên cẩn trọng với các loại hoa quả quá bắt mắt hoặc bao bì không đảm bảo, không có tên của đơn vị nhập khẩu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn