Người chăn nuôi đang “khát” vốn để duy trì đàn lợn
Ghi nhận của PV NNVN tại Thái Bình, người chăn nuôi đang rất khó khăn khi lợn ứ đọng trong chuồng nhưng thiếu vốn để nhập thức ăn duy trì đàn.
Xã Bách Thuận, huyện Vũ Thư là địa phương giữ kỷ lục về tổng đàn lợn của tỉnh Thái Bình với khoảng 20.000 con. Cán bộ thú y xã này cho biết, riêng đối tượng lợn trọng lượng trên 100kg còn tồn vài nghìn con.
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Luân ở xã Bách Thuận đang nuôi 300 lợn nái sinh sản. Trung bình mỗi tháng, số nái trên đẻ khoảng 600 lợn giống. Tuy nhiên, thời gian qua việc tiêu thụ rất khó khăn. Gia đình ông còn tồn khoảng 1.000 lợn giống nhưng không có người hỏi mua, trong khi đó khu chuồng nuôi lợn thịt vẫn còn khoảng 400 con trọng lượng khoảng 90 - 100kg chưa tiêu thụ được. Mỗi ngày, riêng tiền thức ăn để duy trì số đầu lợn của trang trại lên tới vài chục triệu đồng. Điều ông mong muốn lớn nhất lúc này là vay được khoảng 1 tỷ đồng với mức lãi suất ngân hàng để tiếp tục nuôi khoảng 1.000 lợn giống. Nếu không, trại lợn của ông chỉ gắng gượng được tối đa 2 tháng là... sập.
Theo bà Nguyễn Thị Rến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thái Bình, hiện tổng đàn lợn thịt đạt trọng lượng xuất bán từ 80kg trở lên trong địa bàn tỉnh ước khoảng trên 200.000 con (chiếm khoảng hơn 20% đàn lợn thịt).
Hình thức liên kết dọc (nuôi gia công) trong chăn nuôi lợn đang tồn tại và phát triển tại Thái Bình. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh đã có 26 doanh nghiệp chăn nuôi, liên kết 4 doanh nghiệp (Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam, Cty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Cty CP Phát triển công nghệ nông thôn RTD, Cty TNHH Austfeef) với quy mô chăn nuôi thịt từ 20.00 - 5.000 con/trại, lợn nái từ 600 - 3.000 con/trại…
Bên cạnh đó, hình thức liên kết chuỗi ngang (hội, nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi) cũng phát triển. Thái Bình dã có 1 hiệp hội, 3 hợp tác xã chăn nuôi; 9 tổ hợp tác chăn nuôi và 52 nhóp GAHP do dự án Lifsap hỗ trợ thành lập và hoạt động.
Với tình hình khó khăn trong tiêu thụ thịt lợn như hiện nay, nhiều hộ chăn nuôi ở Thái Bình đang tìm mọi cách để giảm đàn lợn.
Để ứng phó nhanh với khó khăn trong chăn nuôi, đặc biệt là vấn đề vốn mua thức ăn chăn nuôi, nhiều hộ đã giảm khẩu phần ăn của lợn, cho ăn cầm chừng, sử dụng nguyên liệu sẵn có để phối trộn thức ăn nhằm giảm giá thành.
Một số hộ khác giảm quy mô đàn nái, tăng tỷ lệ loại thải so với bình thường, không phối giống cho lợn nái khi động dục. Đối với các hộ chuyên sản xuất con giống thì chuyển từ bán con giống 7kg/con sang bán con giống lợn choai hoặc giữ lại nuôi thịt.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh việc tổ chức lại việc chăn nuôi lợn. Trước mắt, các cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống và quy trình chăm sóc nuôi dưỡng nhằm hạ giá thành sản phẩm ở mức thấp nhất. Tránh không để việc chăm sóc nuôi dưỡng ảnh hưởng đến năng suất sinh sản của đàn nái sau này.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, giá lợn đang trên đà nhích dần lên theo chiều hướng tích cực. Bởi vậy, người chăn nuôi cần tìm cách gắng gượng vượt qua khó khăn. Với những trang trại lớn, không nên nản chí phá đàn lợn nái, đóng cửa chuồng mà cần duy trì ở mức độ phù hợp, tránh tình trạng khi giá lợn tăng cao sau “cơn bão giá” thì không còn lợn thịt, lợn giống để bán.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn