Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ được doanh nghiệp thu mua hàng tuần với giá ổn định 15.000 đồng/kg.
Hợp tác xã Kim Ngân, ở phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ đứng đầu trong số các HTX đan đát của tỉnh về liên kết bao tiêu sản phẩm cho thành viên và người lao động. Nhớ lại những ngày gian khó, Giám đốc HTX Hồ Văn Út cho biết: “Hồi mới thành lập, HTX chỉ có 13 thành viên. Nhưng HTX cũng gặp phải vô vàn khó khăn vì thiếu vốn, nguồn hàng, nhân công lao động và thị trường tiêu thụ. Tôi và các thành viên HTX phải xuống tận các xã vùng sâu như Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A (huyện Long Mỹ) để tìm nguồn nguyên liệu. Thậm chí lên Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh khác để tìm kiếm công ty tiêu thụ hàng cho HTX. Vì phải mất nhiều thời gian cho công tác chuẩn bị nguồn hàng, nhập hàng nên 1 năm sau, HTX mới hoạt động chính thức”.
Để không gặp khó trong việc tìm nguồn hàng và nhân công lao động, HTX đã liên kết với liên minh HTX, ngành lao động - thương binh và xã hội để đào tạo nghề. HTX còn vận động chị em tìm khai thác lục bình từ nguồn tự nhiên trên các sông, kênh, rạch hoặc tự trồng cung cấp cho HTX. Hợp tác xã cũng đã ký hợp đồng bao tiêu lục bình với gần 200 hộ để làm nguồn nguyên liệu cho sản phẩm, ngoài ra còn bán nguyên liệu lục bình cho một số nơi. Nhờ đó, nhiều chị em lao động nông thôn vừa có được tay nghề, sống được bằng đan lục bình. Với cách làm này, chỉ sau 3 năm, HTX Kim Ngân thu hút được lực lượng lao động lành nghề dồi dào. Số lượng lao động của HTX tăng lên hơn 500 người, rải khắp các huyện, thị, thành trong tỉnh. Tất cả số lao động này chỉ cần làm việc tại nhà, tận dụng được thời gian nhàn rỗi mà vẫn có thu nhập ổn định hàng tháng với số tiền từ 2-3 triệu đồng.
Hiện tại, mỗi tháng, HTX cung cấp cho công ty và thương lái khoảng 40.000-50.000 sản phẩm các loại. Giờ đây, thị trường tiêu thụ của HTX đã mở rộng ra nhiều tỉnh. Ngoài sản phẩm đan bằng lục bình, HTX còn đan đát ghế mây nhựa và nhiều sản phẩm khác. Doanh thu của HTX từ đó cũng không ngừng tăng lên với số tiền lãi thu về hơn 1 tỉ đồng/năm.
Đối với cây mía là sản phẩm chủ lực thứ 2 của tỉnh, vì vậy cây trồng này cũng được tỉnh quan tâm đầu tư và kêu gọi doanh nghiệp bao tiêu cho nông dân. HTX Tân Thuận, ở thành phố Vị Thanh là đơn vị cung cấp sản lượng mía khá lớn cho số lượng đường làm ra của nhà máy đường trong tỉnh nhiều năm nay. HTX có 5ha mía giống; 79ha trồng mía nguyên liệu với sản lượng đạt từ 7.900-9.480 tấn/năm. Vì là cây trồng chính của bà con nên HTX rất quan tâm đến việc giữ vững giá, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định cho nông dân. Ông Lê Văn Ẩn, Giám đốc HTX Tân Thuận, cho hay: “Nhiều năm trước, giá mía trên thị trường biến động bất thường, kèm theo xâm nhập mặn, ngập nước nên bà con trồng mía thường bị ảnh hưởng năng suất và giảm thu nhập. Vì vậy, HTX đã liên kết với Nhà máy đường Vị Thanh bao tiêu hết sản lượng mía của thành viên trong HTX. Nhờ đó, nhiều năm nay thành viên HTX yên tâm sản xuất, khá giả hơn”. Được biết, ngoài việc liên kết tiêu thụ mía, HTX còn liên kết với doanh nghiệp làm dịch vụ vận chuyển mía, dịch vụ cung ứng mía giống để giảm chi phí sản xuất cho thành viên. Mỗi năm, các loại hình dịch vụ này đã đem về doanh thu trên 6,3 tỉ đồng cho HTX, lợi nhuận đạt hơn 1,4 tỉ đồng sau khi trừ chi phí.
Trên cây ăn trái, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm cũng được HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp quan tâm và thực hiện thành công. Mới đây, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Chế biến nông sản Tiến Thịnh, xã Tân Phước Hưng với sản lượng cung ứng 250 tấn. Việc liên kết tiêu thụ đã giải quyết bài toán khó cho HTX, hạn chế được tình trạng thu hoạch lẻ tẻ. Khoảng 2 tháng nay, giá mãng cầu xiêm chỉ còn 9.000 đồng/kg (trái loại 1), giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm trước làm cho nông dân trồng mãng cầu xiêm lo lắng vì lợi nhuận không nhiều. Nhưng đối với 25 hộ thành viên trong HTX Mãng cầu xiêm Hòa Mỹ thì lại rất phấn khởi. Ông Võ Văn Phải, Giám đốc HTX cho hay: “Trước mắt, HTX đã ký hợp đồng với công ty bao tiêu cho thành viên trong 6 tháng. Trong thời gian này, thành viên đảm bảo có lời so với những người không được bao tiêu. Với giá bán ổn định 15.000 đồng/kg và sản lượng mãng cầu ước tính của HTX năm nay đạt khoảng 1.300 tấn thì sẽ cho thu nhập trên 10 tỉ đồng”.
Như vậy, sợi dây liên kết đã được thắt chặt hơn làm cho mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân càng thân thiết. Qua các hợp đồng tiêu thụ đã tạo sự ràng buộc và trách nhiệm lẫn nhau. Từ trách nhiệm này, song phương đã cùng tạo nên những giá trị và thành công mới cho việc kinh doanh và sản xuất. Cũng nhờ đó, sản phẩm của nông dân Hậu Giang càng được nâng tầm giá trị mà thu nhập cũng tăng theo, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế tỉnh nhà. Điều này càng khẳng định mô hình liên kết là hướng đi cần thiết trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay ở các HTX kiểu mới trong tỉnh.
Bài, ảnh: TRÚC LINH/baohaugiang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn