TS.Nguyễn Văn Nam- nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) - băn khoăn: NK những mặt hàng đầu vào cho sản xuất, như: Máy móc, thiết bị, phụ tùng, vải, nguyên phụ liệu dệt may, giày dép, hóa chất… giảm mạnh cho thấy mức độ ì ạch của hoạt động sản xuất - kinh doanh. Do đó thời gian tới, để bảo đảm phát triển sản xuất trong nước cần có những giải pháp hữu hiệu, đồng bộ để kích thích sản xuất và tiêu thụ hàng hóa trong nước trong sự kiểm soát để có mức nhập siêu hợp lý.“Ngay lúc này, doanh nghiệp, hiệp hội, các bộ chủ quản và Chính phủ cần phải “ngồi lại” với nhau để cùng đánh giá và đưa ra chương trình NK cụ thể đối với từng loại hàng hóa là nguyên liệu đầu vào để bảo đảm cho chu kỳ sản xuất tiếp theo”- ông Nam đề xuất
Ngoài ra, ông Nam cũng cho rằng, hoạt động XNK của Việt Nam vẫn luôn tồn tại bất cập là các thị trường xuất siêu và nhập siêu chưa có thay đổi lớn. Thị trường xuất siêu chủ yếu là Hoa Kỳ, EU, trong khi nhập siêu vẫn chủ yếu từ thị trường châu Á và Trung Quốc. Thực trạng này khiến các nhà đầu tư trong nước khó có cơ hội tiếp cận những công nghệ nguồn tiên tiến từ châu Mỹ, châu Âu.
Điểm yếu của DN trong nước
Tổng kim ngạch XNK của khối FDI 9 tháng qua ước đạt 96,24 tỷ USD, chiếm 57,45% tổng kim ngạch XNK cả nước. Trong đó, XK 52,4 tỷ USD, tăng 34,6% và NK 43,86 tỷ USD, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. DN FDI chủ yếu XK hàng hóa sản xuất từ nguyên phụ liệu NK (gia công). Như vậy, khối DN FDI vẫn tiếp tục thể hiện rõ ưu thế vượt trội trong hoạt động XNK và luôn luôn xuất siêu, còn DN trong nước thường xuyên nhập siêu.
Ông Nguyễn Văn Nam cho rằng, thực tế đó có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, sản xuất của DN trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu NK. Về khách quan, DN trong nước không có những thuận lợi như DN FDI. Hơn nữa, các mặt hàng XK của DN trong nước chủ yếu là nông sản và các sản phẩm thô, hàm lượng công nghệ thấp và giá trị không cao. Đây là điểm yếu tồn tại từ lâu nhưng chưa được khắc phục hiệu quả.
Trong khi đó, các DN FDI hoạt động ở Việt Nam thường sản xuất hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao, giá trị lớn. DN FDI có lợi thế trong hoạt động XK vì đơn hàng đến từ nước ngoài, có sự hỗ trợ của các công ty mẹ về đầu ra và hệ thống phân phối tiêu thụ sản phẩm tốt hơn. Ngoài ra, quản trị của DN FDI cùng hiệu quả sản xuất cao hơn đã tạo ra lợi thế cạnh tranh về giá cũng như thị trường so với DN trong nước.
Nhiều chuyên gia cảnh báo: Đóng góp vào kim ngạch NK của khối DN FDI rất quan trọng đối với hoạt động XNK của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng cho thấy sự yếu thế rõ rệt của DN trong nước. Nếu không có chính sách thích hợp thì chúng ta sẽ mãi vẫn là nơi gia công hàng XK cho các đối tác nước ngoài.
T.S Nguyễn Văn Nam:“Ngay lúc này, doanh nghiệp, hiệp hội, các bộ chủ quản và Chính phủ cần phải “ngồi lại” với nhau để cùng đánh giá và đưa ra chương trình NK cụ thể đối với từng loại hàng hóa là nguyên liệu đầu vào để bảo đảm cho chu kỳ sản xuất tiếp theo”. |