Gần 8 tấn lúa của gia đình anh Sinh (xóm 7, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên) vẫn đang nằm trong kho chờ giá lên mới xuất bán.
Trái ngược với không khí mua bán nhộn nhịp của năm trước, năm nay, gia đình anh Lê Đông Sinh (xóm 7, xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên) ngán ngẩm vì giá lúa xuống thấp lại không thấy người đi thu mua tại nhà.
Anh Sinh chia sẻ: “So với thời điểm cao nhất của năm ngoái, giá lúa năm nay “tụt” khoảng 6 giá, trong đó, các loại nếp là khó bán nhất. Hiện tại, gần 8 tấn lúa của gia đình thu hoạch trong vụ xuân vẫn đang nằm yên trong kho. Tôi chờ giá lên thêm chút nữa mới xuất bán chứ với giá này, trừ tiền máy cày, tiền giống, thuê máy giặt, tiền phân bón… thì không có lãi”.
Hầu hết diện tích lúa của nông dân đã thu hoạch xong, phơi qua 2 nắng nhưng vẫn chưa có người đến thu mua, giá lúa tụt gần 6 giá so với năm ngoái.
Đang đóng lúa đã phơi khô qua 2 nắng vào bì, chị Nguyễn Thị Mai (thôn 2, Cẩm Quang, huyện Cẩm Xuyên) thở dài: “Vụ lúa xuân năm nay là vụ lúa mà nông dân chúng tôi hy vọng cao về năng suất, chất lượng, cũng như giá cả. Tuy nhiên, lúa được mùa, đã phơi khô đóng bì chờ xuất đi nhưng giá thấp, lại không có người mua khiến cho người trồng lúa không biết xoay xở như thế nào với các khoản tiền đang “trông” vào bán lúa để thanh toán như tiền thuê cày, tiền phân bón…”.
Với giá lúa trên thị trường xuống thấp như hiện nay, bà con nông dân đang chần chừ chờ giá nhích lên mới xuất bán. Vì vậy, các cơ sở thu mua lớn trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên cũng chỉ hoạt động cầm chừng, lượng lúa thu mua giảm hẳn so với thời điểm này năm ngoái.
Thị trường không ổn định, các đại lý thu mua lớn cũng chỉ hoạt động cầm chừng, lượng thu mua thấp hơn nhiều so với năm ngoái.
Chị Thúy – chủ đại lý thu mua lúa gạo Thúy Ngọc (xã Cẩm Huy, Cẩm Xuyên) cho biết: “Thời điểm này năm ngoái, nhờ được giá nên bà con bán sớm, chúng tôi còn phải thuê thêm nhân công bốc vác để việc thu mua được nhanh chóng, kịp chuyển theo xe ra Bắc. Tuy nhiên, năm nay, tình hình mua bán vô cùng ế ẩm; cơ sở chỉ dám thu mua với khối lượng ít do đầu mối phía Bắc hiện chưa cho xe đến lấy hàng như năm trước”.
Cùng chung tình trạng, đại lý thu mua lúa gạo Hạnh Cường (xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh) cho hay: “Năm nay, chúng tôi chỉ thu mua được với giá từ 5.200 – 5.500đ/kg tuỳ loại do thị trường lúa gạo khá trầm lắng. Hiện, chúng tôi đã bắt đầu cho xe đi đến các vùng như Cẩm Xuyên, Can Lộc… thu mua nhưng giá thấp nên bà con chưa muốn bán”.
So với năm trước, giá lúa trên thị trường sẽ duy trì ở mức khá thấp, khó đạt được mức giá ổn định như vụ xuân 2018.
Theo chia sẻ từ các đại lý thu mua lớn trên địa bàn, so với năm trước, giá lúa trên thị trường sẽ duy trì ở mức khá thấp, khó đạt được mức giá ổn đỉnh như vụ xuân 2018. Một trong những nguyên nhân khiến giá lúa năm nay giảm là do các đầu mối lớn ở phía Bắc thu mua lúa ít hơn so với năm ngoái. Đến thời điểm này, lượng xe trung chuyển vào nhập hàng từ các kho thu mua lớn trong tỉnh ra phía Bắc vẫn rất “nhỏ giọt”.
Hoạt động thu mua diễn ra kém sôi động do giá lúa thấp, người dân chưa chịu bán còn đơn vị thu mua thì lo ngại thu mua về không xuất đi được.
Sự bấp bênh và tính chất mùa vụ của thị trường lúa gạo trên địa bàn tỉnh một lần nữa cho thấy thực tế, liên kết với doanh nghiệp từ khâu xuống giống đến thu mua sẽ giữ ổn định cho các vùng sản xuất lớn trong tỉnh như: Cẩm Xuyên, Đức Thọ... Từ đó, đầu ra của sản phẩm giữ được mức giá ổn định hơn, tạo tâm lý yên tâm bám đồng sản xuất cho người nông dân.
Theo Thái Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn