Lưu ý khi xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Mỹ
Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ tăng trưởng trung bình 20%/năm, với 4 mặt hàng thế mạnh: dệt may với kim ngạch 11 tỷ USD/năm, giày dép với kim ngạch 4,1 tỷ USD/năm, đồ gỗ với kim ngạch 2,6 tỷ USD/năm, thủy sản với 1,3 tỷ USD/năm. Với chủ trương tăng xuất khẩu, chúng tôi đã giới thiệu nhiều DN Việt cho các tập đoàn bán lẻ của Mỹ nhưng chưa có nhiều kết quả.
Thực tế có rất ít DN Việt Nam đáp ứng được yêu cầu chứng chỉ quốc tế về chất lượng, quy cách, an toàn thực phẩm, trong khi đây là một trong những yêu cầu của các tập đoàn bán lẻ lớn như Walmart.
Chưa hết, DN còn phải có các chứng chỉ liên quan đến các vấn đề xã hội, chẳng hạn ngày công, tiền lương cho người lao động mới có thể bán hàng cho các tập đoàn này. Điều đó có nghĩa, DN Việt Nam phải hoàn thiện mình trước khi tính đến chuyện đưa hàng vào siêu thị của Mỹ.
* Ông nói gì về khả năng tìm hiểu thị trường Mỹ của các DN Việt Nam?
- DN có yêu cầu rất lớn về thông tin thị trường Mỹ nhưng muốn tiếp cận được phải nghiên cứu, tìm hiểu kỹ. Nhiều DN muốn xuất khẩu chanh tươi, chanh leo, trầm hương, thậm chí cả tăm xỉa răng vì cho rằng thị trường Mỹ có sức tiêu thụ lớn. Những thông tin như vậy không chính xác, bởi người Mỹ không xỉa răng và cũng không dùng trầm hương.
Gạo của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ đang vấp phải vấn đề có dư lượng kháng sinh (MRL), dù phía Mỹ chưa đưa ra quy định cụ thể hàm lượng được phép và không được phép.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang làm việc với phía Hoa Kỳ về vấn đề này, nhằm đưa ra những quy định rõ ràng về tỷ lệ dư lượng kháng sinh trong gạo nhập khẩu từ Việt Nam.
Đến nay, Mỹ chỉ cho phép nhập khẩu 4 loại trái cây của Việt Nam là thanh long, chôm chôm, vải và nhãn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang làm việc với phía Hoa Kỳ để xuất khẩu thêm xoài và vú sữa. Tuy nhiên, thời gian cấp phép cho một loại trái của Việt Nam xuất vào thị trường Mỹ mất từ 5- 7 năm.
* Với việc TPP được ký, các quy định về an toàn thực phẩm nhập khẩu vào Mỹ cũng được nâng lên mức cao hơn. Theo ông, DN cần lưu ý điều gì khi xuất hàng sang thị trường này?
- Các DN muốn xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Mỹ phải đăng ký chất lượng với Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ, đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh để được cấp mã số kinh doanh của FDA, đăng ký người đại diện tại Mỹ.
Ngoài những quy định bắt buộc trên, các DN muốn xuất khẩu thực phẩm vào thị trường Mỹ cần lưu ý ba vấn đề:
Thứ nhất, cần tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Cạnh đó, DN cần lưu giữ hồ sơ sản xuất, chế biến của từng lô hàng để phục vụ truy xuất nguồn gốc sau này, hoạt động này do phía Mỹ thực hiện.
Thứ hai, DN cần sẵn sàng đáp ứng yêu cầu kiểm tra tại chỗ các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, bởi việc từ chối không cho phía Mỹ kiểm tra cũng đồng nghĩa với việc bị từ chối nhập khẩu.
Thứ ba, trong lần xuất khẩu đầu tiên, DN phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để giải trình về các biện pháp kiểm soát được vệ sinh thực phẩm ngay từ cơ sở sản xuất.
theo DNSG
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn