Thứ trưởng thường trực Hà Công Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tại hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Phạm Văn Điển cho biết, về cơ bản năm 2019 ngành Lâm nghiệp hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao: Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2019 đạt 5%, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 41,85% (tăng 0,2% so với 2018), đạt chỉ tiêu kế hoạch năm 2019. Đã trồng được trên 239 triệu ha rừng, đạt trên 112% kế hoạch, trồng 63,5 triệu cây phân tán, đạt gần 108% kế hoạch, khai thác gỗ rừng sản lượng 19,5 triệu tấn, hoàn thành kế hoạch. Đặc biệt, năm 2019 giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt 11,2 tỷ USD (đạt 107% so với kế hoạch, kế hoạch giao 10,5 tỷ USD), tăng 20% so với năm 2018. Bên cạnh đó, thu dịch vụ môi trường rừng cả nước đạt trên 2.800 tỷ đồng.
Trong năm 2019, ngành Lâm nghiệp cũng triển khai hàng loạt nhiệm vụ quan trọng nhằm thực thi Luật Lâm nghiệp và tái cơ cấu ngành, hướng tới ngành kinh tế xanh bền vững. Trong đó, thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng đón nhận tin vui khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 50 của Chương trình chứng nhận chứng chỉ rừng Châu Âu (PEFC).
Năm 2019, ngành Lâm nghiệp cũng đẩy mạnh thực hiện đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên và rừng ven biển giai đoạn 2016 - 2030.
Tuy nhiên, trong năm 2019, tình trạng nắng nóng gay gắt, hanh khô, hạn hán kéo dài nhiều ngày, nhất các tỉnh Tây Bắc và khu vực miền Trung. Do vậy, việc phòng, chống cháy rừng gặp rất nhiều khó khăn; tình trạng phá rừng trái pháp luật để lấy đất canh tác, khai thác lâm sản trái phép tại các địa phương vẫn còn xảy ra, gây dư luận trong xã hội.
Việc đầu tư cho bảo vệ và phát triển rừng tại một số địa phương còn chưa được quan tâm bố trí đủ vốn. Nhiều địa phương chưa tích cực chỉ đạo trồng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.
Bên cạnh đó, hiện xuất khẩu lâm sản của Việt Nam dựa phần lớn vào thị trường Mỹ và Trung Quốc (xuất khẩu vào Mỹ chiếm xấp xỉ 51%, Trung Quốc 10,5%/giá trị xuất khẩu lâm sản của cả nước), trong bối cảnh cuốc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có những bất ổn nên tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường với xuất khẩu lâm sản của Việt Nam đòi hỏi ngành Lâm nghiệp năm 2020 phải đặc biệt chủ động nắm bắt, tìm hiểu để có những quyết sách, chiến lược điều chỉnh cho phù hợp.
Theo Tổng cục Lâm nghiệp, năm 2020, ngành tiếp tục bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng và phát huy giá trị của từng loại rừng, tăng giá trị rừng sản xuất trên đơn vị diện tích. Từ đó, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Năm 2020, Tổng cục Lâm nghiệp đặt mục tiêu tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%. Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt từ 5 - 5,5%. Giá trị xuất khẩu lâm sản đạt 12,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2019; khai thác rừng trồng tập trung đạt 20,5 triệu m3.
Ngành cũng tăng cường bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về lâm nghiệp, đảm bảo giảm 10% số vụ vi phạm và giảm 30% diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2019.
Để đạt mục tiêu trên, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ Triển khai các chương trình, đề án đã được Chính phủ phê duyệt, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 28/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Tổng cục Lâm nghiệp cũng tổ chức triển khai tốt Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi lâm luật, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT); thể chế hóa các cam kết, nâng cao năng lực cho các bên liên quan để thực thi hiệu quả Hiệp định, đặc biệt là thực hiện tốt việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định cho cộng đồng các doanh nghiệp và các hộ gia đình trồng rừng cũng như toàn xã hội.
Toàn cảnh hội nghị
Theo Thứ trưởng Hà Công Tuấn, năm 2020 là năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, ngành lâm nghiệp phải cố gắng đạt được những chỉ tiêu cao hơn trong 4 năm qua ngành đã đạt được. Đây cũng là năm căn bản để xây dựng kế hoạch cho 5 năm tới, thậm chí dài hơn.
“Tổng cục Lâm nghiệp phải tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thành Quy hoạch Lâm nghiệp quốc gia; trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2045; Chương trình đầu tư công phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 – 2025”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho rằng, Tổng cục Lâm nghiệp nên đưa ra thêm các chỉ tiêu về quản lý rừng bền vững hay những chỉ tiêu phục vụ tái cơ cấu ngành như giống cây lâm nghiệp để có sự kiểm soát tốt hơn. Cùng với đó, ngành cũng cần chủ động chuẩn bị các kịch bản xử lý các tình huống về thị trường, cháy rừng.
Biểu dương kết quả tích cực ngành Lâm nghiệp đã đạt được trong năm 2019, năm 2020 Thứ trưởng Hà Công Tuấn đề nghị ngành Lâm nghiệp tiếp tục duy trì ổn định và duy trì quan hệ quốc tế, nâng cao hơn vị thế của đất nước nói chung và lâm nghiệp nói riêng.
V.A (mard.gov.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn