Ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào nuôi tôm
Đề án tập trung đầu tư phát triển hai loài tôm sú (Penaeus monodon) và tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ven biển có nguồn nước lợ tự nhiên phù hợp cho sinh trưởng và phát triển của tôm nước lợ. Mục tiêu, phát triển ngành tôm nước lợ thành ngành công nghiệp hiện đại, đồng bộ và hiệu quả thông qua việc thu hút đầu tư, ứng dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào toàn bỗ chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ để nâng cao năng suất, sản lượng và giá trị thương mại của các sản phẩm tôm, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2020, tổng diện tích tôm nước lợ đạt 710.000 ha (diện tích nuôi tôm sú 600.000 ha, tôm thẻ chân trắng 110.000 ha); tổng sản lượng đạt trên 800.000 tấn (tôm sú trên 320.000 tấn, tôm thẻ chân trắng trên 480.000 tấn). Chủ động gia hóa, chọn tạo và sản xuất trên 70% tôm sú bố mẹ và trên 30% tôm thẻ chân trắng bố mẹ; giá trị xuất khẩu đạt trên 4,5 tỷ USD; Đến năm 2025, tổng diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 750.000 ha (tôm sú 600.000 ha, tôm thẻ chân trắng 150.000 ha). Tổng sản lượng đạt trên 1,1 triệu tấn (tôm sú trên 400.000 tấn, tôm thẻ chân trắng trên 700.000 tấn). Chủ động gia hóa, chọn tạo và sản xuất trên 90% tôm sú bố mẹ và trên 70% tôm thẻ chân trắng bố mẹ. Giá trị xuất khẩu đạt trên 8,4 tỷ USD;
Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi giữ ổn định như năm 2025, tuy nhiên, phấn đấu tổng sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn (tôm sú trên 550.000 tấn, tôm thẻ chân trắng 750.000 tấn). Tổng giá trị xuất khẩu đạt trên 12 tỷ USD. Đồng thời, chủ động gia hóa, chọn tạo và sản xuất hoàn toàn tôm sú và tôm thẻ chân trắng bố mẹ phục vụ sản xuất trong nước.
Để làm được điều này, Đề án tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Nghiên cứu, chủ động sản xuất giống tôm nước lợ chất lượng cao; Phát triển các hình thức nuôi tôm thương phẩm hiệu quả cao; Phát triển công nghiệp phụ trợ phục vụ ngành tôm; Chế biến và tiêu thụ sản phẩm tôm nuôi nước lợ; Hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao về tôm, khu phức hợp sản xuất tôm công nghệ cao…
Tổng nhu cầu vốn đầu tư của Đề án thông qua các chương trình, dự án giai đoạn 2018 - 2030 khoảng 11.980 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách 2.800 tỷ đồng, còn lại là từ các nguồn khác.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn