Nguồn tôm hùm giống hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên nên rất bị động trong sản xuất. Mặc dù, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã nghiên cứu sinh sản nhân tạo tôm hùm giống hơn 20 năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa thu được các kết quả khả quan.
Các nghiên cứu mới chỉ dừng lại ở việc cho trứng nở thành tôm hùm trắng (có kích thước bằng sợi chỉ) thì chết. Nguyên nhân chủ yếu là do thời gian biến thái của ấu trùng tôm quá dài dẫn đến nhiều rủi ro. Các nghiên cứu chưa thể xác định được môi trường sinh sản hợp lý cho tôm hùm, các loại thức ăn của tôm hùm bố mẹ trước khi sinh sản, thức ăn của tôm hùm trắng và quá trình lột xác của tôm hùm trắng.
Nguồn tôm hùm giống hoàn toàn phụ thuộc ngoài tự nhiên - Ảnh: Ngọc Chung
Không riêng ở Việt Nam, đến nay, tất cả các nước trên thế giới vẫn chưa thể sinh sản nhân tạo thành công tôm hùm giống. Các nước tiên tiến nhất như Nhật Bản, cũng chỉ thu được kết quả tôm hùm giống phát triển đến giai đoạn bò cạp.
Nghề nuôi tôm hùm ngày một phát triển, sức ép về con giống gia tăng không ngừng, bởi tôm hùm giống ít dần lại khó đánh bắt. Để đáp ứng nhu nuôi thương phẩm, mỗi năm cần đến hàng triệu con giống. Tuy nhiên, năng lực khai thác tôm giống trong nước hiện chỉ đáp ứng khoảng 40 - 50%.
Nhu cầu nuôi thương phẩm lớn trong khi nguồn lợi ngày cạn kiệt, khiến giá tôm hùm giống ngày càng đắt đỏ. Trước đây, tôm hùm giống chỉ vài chục nghìn/con, nhưng 1 - 2 năm gần đây, có những thời điểm giá giống có khi lên đến 350.000 đồng/con. Theo đó, đã thu hút người dân ven biển đi săn tôm hùm giống. Đi dọc bờ biển Nam Trung bộ có thể nhìn thấy nơi đâu cũng có bẫy tôm hùm, thậm chí ở trong vùng biển cần bảo vệ nghiêm ngặt. Tôm hùm giống bị khai thác ồ ạt, dẫn đến khả năng tái sinh nguồn lợi từ loài tôm này rất khó. Theo đó, tình trạng mất mùa tôm hùm giống diễn ra khá phổ biến trong những năm gần đây, điển hình có một số tỉnh như Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế…
Trong khi sinh sản nhân tạo chưa thành công thì việc bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống tự nhiên là việc làm cần thiết. Từ trước đến nay, việc ồ ạt đánh bắt tôm hùm giống theo số lượng mà ít quan tâm đến chất lượng tôm nên hiệu quả không cao, nguồn giống bấp bênh. Một con tôm giống sinh ra đã bị khai thác cạn kiệt, đồng nghĩa với việc không có nguồn tôm bố mẹ để tái sinh sản. Vì thế, việc khoanh vùng khai thác và bảo đảm nguồn tôm hùm giống trong nước quyết định rất lớn đến thành bại nghề nuôi tôm.
Để tránh tình trạng khan hiếm tôm hùm giống, tỉnh Bình Thuận cũng đã ra luật hạn chế khai thác tôm hùm trắng. Theo tính toán, để ương nuôi trong lồng giai trước mắt vẫn cho khai thác ngoài tự nhiên nhưng cần hạn chế khai thác tôm hùm đoạn từ tôm hùm trắng đến tôm hùm bò cạp, tỷ lệ hao hụt rất cao, gần 50%. Vì vậy, ở giai đoạn này, cần để tôm ngoài tự nhiên nhằm hạn chế hao hụt. Chỉ nên khai thác khi tôm từ giai đoạn bò cạp trở lên.
Chấp nhận nhập khẩu nguồn giống tôm hùm từ các nước như Indonesia, Sri Lanka được coi là giải pháp khắc phục tình trạng khan hiếm. Tuy nhiên, cần phải quản lý tốt dịch bệnh, tránh mang nguồn bệnh trên tôm hùm từ những nơi khác vào vùng biển Việt Nam.
Cùng đó, việc nghiên cứu tạo nơi cư trú, điều kiện nhân tạo ngoài tự nhiên phù hợp với môi trường, tập tính sống, sinh sản của tôm hùm là việc làm quan trọng. Vừa qua, Trường Đại học Nha trang đã tiến hành thử nghiệm thả rạn san hô nhân tạo. Theo đó, đã thu hút được sự tập trung của nhiều đối tượng hải sản trú ngụ, trong đó có tôm hùm giống. Đây được coi là một trong những hướng để tạo môi trường thuận lợi cho việc bảo vệ nguồn lợi tôm hùm giống nói riêng và các loại hải sản nói chung.
>> Để bảo vệ nguồn lợi giống tôm hùm, năm 2015, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành lệnh cấm khai thác tôm giống ồ ạt ở một số vùng biển trọng yếu tại địa phương. Điều này là cần thiết để giữ nguồn lợi tôm hùm giống bền vững, tuy nhiên cũng gặp không ít sự phản đối từ ngư dân. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn