Dừa là loại cây trồng phổ biến ở các tỉnh ĐBSCL, tập trung nhiều nhất tại các huyện Giồng Trôm, Châu Thành, Bình Đại, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc (Bến Tre); Càng Long, Châu Thành, Cầu Kè (Trà Vinh)… Sản phẩm từ dừa, ngoài tiêu thụ nội địa, còn xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới, qua đó giúp người dân tăng thu nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, dừa trái rớt giá thê thảm và khó tiêu thụ khiến hàng loạt hộ trồng dừa điêu đứng.
Giá dừa thấp nhất trong nhiều năm
Về Bến Tre, thủ phủ dừa của ĐBSCL vào những ngày này, đi đâu cũng nghe nông dân than về giá dừa thấp và khó tiêu thụ. Ông Nguyễn Văn Thế, ngụ xã Giao Long, huyện Châu Thành (tỉnh Bến Tre), cho biết: “Thời điểm này năm ngoái, dừa khô không đủ để bán cho thương lái, giá cao từ 100.000 - 150.000 đồng/chục (12 trái, tùy loại). Vậy mà dừa khô loại 1 hiện chỉ còn 45.000 - 50.000 đồng/chục, dừa xô chỉ 20.000- 30.000 đồng/chục”. Gia đình ông Thế trồng 2,5 công dừa. Những năm được mùa, được giá, dừa giúp nhà ông Thế có tiền chi tiêu.
Năm nay, giá dừa quá thấp, ông Thế xem như thua trắng, thậm chí không đủ chi phí để trả tiền vật tư. Cùng cảnh ngộ, ông Lê Hoàng Phi (xã Giao Long) rầu rĩ: “Dừa là nguồn thu nhập quan trọng của nhiều hộ ở vùng này. Gần đây, giá dừa tuột dốc không phanh làm người dân rất lo lắng. 6 công dừa của gia đình tôi mấy tháng nay bán chẳng được bao nhiêu; bây giờ dừa còn trên cây khá nhiều nhưng thương lái chỉ hẹn lần hẹn lữa mà không mua, dù giá rất thấp”.
Tại các huyện Bình Đại, Mỏ Cày Nam… tình hình cũng tương tự. Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Mỏ Cày Nam cho biết toàn huyện có hơn 14.700 ha dừa cho thu hoach, sản lượng khoảng 74 triệu trái/năm. Diện tích lớn, sản lượng nhiều, do đó khi dừa rớt giá đã làm ảnh hưởng đến đời sống của rất nhiều hộ nông dân. Ở Trà Vinh, người trồng dừa cũng đang mất ăn, mất ngủ.
Theo Sở Công thương Bến Tre, dừa giảm giá là do nhiều nguyên nhân, trong đó có các nước Hồi giáo vào mùa ăn chay nên nhu cầu nhập khẩu cơm dừa nạo sấy giảm. Khu vực Đông Nam Á vào mùa thu hoạch dừa khiến sản lượng tăng. Xuất khẩu cơm dừa nạo sấy và các sản phẩm dừa khác cũng đang chậm. Ngoài ra, thương lái Trung Quốc giảm mua dừa khô nguyên liệu…
Tái cơ cấu lại ngành dừa
Thống kê mới đây cho thấy toàn vùng ĐBSCL có khoảng 130.000ha dừa, chiếm 78% diện tích dừa của cả nước. Dừa là nguồn thu nhập của hơn 1,9 triệu hộ nông dân ĐBSCL. Tuy nhiên, hạn chế tồn tại lâu nay là dừa được trồng nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng phục vụ vùng trồng dừa còn hạn chế, từ đó khiến việc liên kết sản xuất rất khó. Giá dừa lên xuống thất thường, thiếu ổn định, cùng với sự cạnh tranh của các loại cây trồng khác có giá trị cao hơn khiến nông dân phân vân trong việc đầu tư cho cây dừa.
Để tháo gỡ đầu ra cho cây dừa và giúp nông dân sống được từ loại cây công nghiệp này, nhất thiết phải có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, theo hướng liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp và áp dụng mô hình xen canh để tăng giá trị. Ông Nguyễn Văn Hoảnh, ngụ thị trấn Giồng Trôm (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), tiết lộ: “Gần 2ha dừa của gia đình được trồng xen canh với bưởi da xanh, qua gần 4 năm chăm sóc, vườn dừa và bưởi da xanh đều phát triển tốt. Năm đầu, năng suất chưa cao nhưng sau đó, tăng dần và như năm ngoái dừa được giá thì tổng thu nhập từ mô hình xen canh đạt tới vài trăm triệu đồng. Cách làm này cho thấy có triển vọng, bởi tăng được nguồn thu trên cùng một diện tích”.
Theo ông Nguyễn Văn Trọn, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăm sóc vườn dừa xã Hưng Lễ (huyện Giồng Trôm), sau thời gian làm tự phát không hiệu quả, từ năm 2013, được sự hỗ trợ của các ngành chức năng tỉnh Bến Tre, nông dân trong xã liên kết thành lập tổ hợp tác với 60 thành viên, canh tác 63ha dừa. Ngoài được ngành nông nghiệp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống mới… nông dân còn được các doanh nghiệp hợp tác đầu tư phân bón, bao tiêu đầu ra sản phẩm; cũng như hỗ trợ sản xuất dừa hữu cơ theo tiêu chuẩn của Nhật Bản và châu Âu. Cách làm này tăng được chuỗi giá trị cho cây dừa; ngay cả khi dừa mất giá, nông dân cũng đỡ vất vả hơn những hộ sản xuất riêng lẻ…
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bến Tre, giải pháp cấp bách là tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, tăng cường vận động nông dân trồng dừa vào mô hình liên kết, tham gia chuỗi giá trị; hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã… nhằm đầu tư một cách bài bản và gắn với doanh nghiệp bao tiêu; phân bổ thời vụ thu hoạch hợp lý. Các địa phương quy hoạch lại cụ thể diện tích dừa công nghiệp, dừa lấy nước uống, mô hình trồng xen, trồng chuyên canh… từ đó để có những chính sách hỗ trợ, đầu tư mạnh hơn cho cây dừa.