Những ngày qua, ở các địa phương ven biển của tỉnh Thái Bình-nơi có tới 3.300 ha diện tích nuôi ngao-xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt. Đây không phải lần đầu người nuôi ngao ở tỉnh này phải đối mặt với chuyện ngao "ngoác miệng cười”. Nhưng lần này-với việc ngao chết đồng loạt, trên diện tích lên tới gần 900 ha, thiệt hại của người nuôi ngao Thái Bình được cho là lớn nhất kể từ khi họ chọn kế làm giàu bằng việc "đánh bạc” với con vật nuôi này…
Mất trắng bạc tỷ
Vẫn bờ bãi ấy nhưng những ngày này, không khí ở những vùng ngao nổi tiếng Thái Bình như Đông Minh, Nam Thịnh (Tiền Hải), Thụy Trường, Thái Đô (Thái Thụy)…thật nặng nề. Chỉ bằng mắt thường, không khó để nhận ra, dưới những đầm bãi rộng bạt ngàn, xác ngao chết nằm há mồm, ken đặc, tỏa mùi tanh nồng. Khăn quấn kín mặt, kín đầu, từng tốp, từng tốp người lặng lẽ lần mò dưới bãi. Họ đi làm một việc cực chẳng đã là thu dọn ngao chết, tẩy rửa đồng bãi…
Trong số các xã của tỉnh Thái Bình đang lâm cảnh điêu đứng vì ngao, xã Ðông Minh (Tiền Hải) bị thiệt hại khá nặng nề. Đông Minh có 317 ha nuôi ngao thì cả 317 ha này đều có ngao chết. Trong đó, có trên 70 ha có tỷ lệ ngao chết lên tới trên dưới 80%. Các diện tích còn lại ngao chết phổ biến ở mức từ 20-70 %, tổng số đã có hàng nghìn tấn ngao thương phẩm bị chết, người nuôi ngao địa phương thiệt hại cả trăm tỷ đồng. Hộ nhiều lên tới tiền tỷ, hộ ít cũng mất vài trăm triệu. Cách Đông Minh không xa, xã Nam Thịnh cũng lâm cảnh tương tự. Xã có 400 ha/1.400 ha diện tích nuôi ngao có ngao bị chết. Trong đó, khoảng 200 ha có tỷ lệ ngao chết tới trên dưới 80%, thiệt hại ước tính cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Không quá nặng nề như huyện Tiền Hải nhưng việc ngao thương phẩm bỗng nhiên chết hàng loạt cũng đang khiến nhiều hộ nuôi ngao ở huyện Thái Thụy điêu đứng. Tại xã Thái Ðô, theo tìm hiểu của chúng tôi có khoảng 60 ha diện tích có ngao chết. Trong đó, 15 ha/50 ha diện tích nuôi ngao của thuộc Cty Minh Phú ngao chết đến 70 - 80%, lượng ngao chết ước tính lên tới 600 tấn. Trong khi đó, tại 120 ha diện tích nuôi ngao của xã Thụy Trường, cơ quan chuyên môn cũng ước tính người nuôi ngao ở đây vừa mất trắng 805 tấn ngao thương phẩm, trị giá nhiều tỷ đồng…
Vì đâu ngao chết?
Đó là câu hỏi hiện chưa có câu trả lời thỏa đáng. Theo Chi cục Nuôi trồng thủy sản Thái Bình, nguyên nhân dẫn đến thảm họa "đại tang ngao” hiện nay là do ngao đã bị ốm sẵn từ thời điểm đầu tháng. Thời điểm đó rơi vào thời kỳ nước lửng, việc luân chuyển thức ăn cho ngao bị hạn chế, dẫn đến ngao bị "đói”. Sau đó, gặp thời tiết nóng, xen kẽ là các đợt mưa, độ mặn bị giảm nhiều, trong khi người dân lại thả ngao với mật độ quá dầy dẫn đến ngao yếu. Tiếp đến, hướng gió thay đổi, độ mặn tăng cao đột ngột khiến ngao bị sốc, chết hàng loạt. Trong khi đó, theo nhiều người dân nuôi ngao ở các huyện Thái Thụy, Tiền Hải, thủ phạm gây nên thảm cảnh "đại tang ngao” những ngày qua không hẳn vì những nguyên nhân trên mà chính là do các bãi ngao phải hứng chịu nguồn nước ô nhiễm, chưa qua xử lý từ sông Trà Lý và sông Lân xả thải ra…
Được biết, đến thời điểm này tình trạng ngao chết hàng loạt ở Thái Bình vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Ngành nông nghiệp tỉnh, chính quyền các huyện Tiền Hải, Thái Thụy đang thực hiện việc nắm bắt tình hình; tuyên truyền cho người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh bãi triều. Khuyến cáo người nuôi ngao thu hoạch ngao tại những vây nuôi đã đạt kích cỡ thương phẩm; san thưa mật độ ngao ở những diện tích còn lại. Ngoài ra, theo lãnh đạo huyện Tiền Hải, hầu hết nguồn đầu tư nuôi ngao của người dân địa phương từ nguồn vay lãi ngân hàng. Trước tình cảnh cam go này, chính quyền huyện này đã có động thái đề nghị các ngân hàng khoanh nợ, giãn nợ…
Ngao chết hàng loạt khiến nhiều người nuôi ngao ở Thái Bình điêu đứng
Bao giờ nuôi ngao không còn là ván bạc?
Việc ngao chết hàng loạt, người nuôi ngao thiệt hại hàng trăm tỷ đồng ở Thái Bình hiện nay, dù vì nguyên nhân gì thì cũng thêm một lần nữa cho thấy nghề nuôi ngao đang chứa đựng đầy rủi ro. Đầu tư nuôi ngao được ví không khác gì việc đánh bạc. Trên thực tế, đây không phải là lần đầu người nuôi ngao "thua bạc”. Ngay tại huyện Tiền Hải (Thái Bình), thời điểm đầu năm 2003 tình trạng ngao chết hàng loạt đã diễn ra, khiến người nuôi ngao ở địa phương này thiệt hại 50-60 tỷ đồng - một số tiền rất lớn vào thời điểm đó. Đến năm 2009, thảm cảnh tương tự lại tái diễn ở chính địa phương này, mức thiệt hại lên tới cả trăm tỷ đồng. Còn tại tỉnh Nam Định-địa phương được xem là vùng ngao lớn nhất nhì miền Bắc, người nuôi ngao ở đây cũng liên tục gặp những sự cố tương tự. Đơn cử, cuối năm 2012, bão số 8 ập vào, nạo vét, xới tung hàng trăm ha bãi ngao ở các địa phương ven biển của Nam Định, người nuôi ngao thiệt hại không biết bao nhiêu mà kể. Vậy nhưng, thời tiết mới chỉ là một nguyên nhân khiến người nuôi ngao nhiều phen điêu đứng. Theo ông Nguyễn Văn Cửu-Chủ tịch hiệp hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy (Nam Định), sau thời hoàng kim, những năm gần đây người nuôi ngao nói chung phải đối diện với thực tế giá ngao xuống thấp kỷ lục. Thời điểm những năm 2011, 2012 giá ngao đạt trên 20.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi ngao có lãi lớn. Tuy nhiên, từ đó đến nay giá ngao thương phẩm chỉ quẩn quanh ở mức 10.000đ /kg. Với mức giá này, theo ông Cửu-người nuôi ngao đang bị lỗ. Bởi theo tính toán, với chi phí nuôi trồng như hiện nay, nếu đạt 15.000 đồng/kg người nuôi ngao mới bình quân được thu chi, trên mức này mới bắt đầu có lãi.
Không chỉ giá thấp, người nuôi ngao còn đang phải đối mặt với thực tế không có thị trường tiêu thụ. Theo ông Cửu, có thời điểm huyện Giao Thủy tồn đọng đến trên 20.000 tấn ngao thương phẩm. Nguyên nhân chính được cho là từ trước tới nay nguồn tiêu thụ ngao của địa phương trông chờ chính vào thị trường Trung Quốc, sản lượng tiêu thụ ở thị trường nội địa chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, mới đây thị trường tiêu thụ đến 40% tổng sản lượng ngao của miền Bắc đã cấm toàn bộ việc nhập khẩu ngao bằng đường tiểu ngạch. Theo đó, toàn bộ ngao của Việt Nam xuất vào thị trường Trung Quốc phải đi theo đường chính ngạch, với nhiều quy định khắt khe về thủ tục hành chính, đặc biệt là chất lượng. Ế ẩm, không nhận được hợp đồng cung cấp, ông Cửu cho hay nhiều người nuôi ngao ở Giao Thủy đã phải làm một việc "cực chẳng đã”, đó là tự đóng gói, vận chuyển ngao vào tận một số nhà máy chế biến trong Nam-nơi tìm được đường xuất khẩu ngao chế biến sang một số nước châu Âu-để chào hàng. Việc này, theo ông Cửu rất bấp bênh. Sản phẩm xuất khẩu sang châu Âu đòi hỏi rất khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ. Các nhà chế biến không dễ nhập nguyên liệu theo kiểu "chào hàng tận chân nhà máy” trên, nếu được cũng phải chịu cảnh bị ép giá, lượng ngao tiêu thụ được do vậy không nhiều…
Câu hỏi đặt ra là đến bao giờ đầu tư nuôi ngao mới thôi được xem là "chơi một canh bạc”, nhất là khi dù chịu nhiều rủi ro nghề nuôi ngao vẫn được xem là nghề sinh lợi lớn, nhất là khi địa phương ven biển nào cũng xác định lấy kinh tế biển là mũi nhọn phát triển. Câu hỏi này, chắc chắn người nuôi ngao thì không thể tự trả lời được!
Trần Duy Hưng
theo daidoanket