Thị trường cá tra ĐBSCL tồn tại nghịch lý: Dù giá giảm nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu
Giá cá tra trong 2 tháng đầu năm 2016 rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm, dao động 18.000-19.400 đồng/kg. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2014 và 2015, giá cá lần lượt ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg.
Thiếu cá do “treo” ao
Theo báo cáo của Hiệp hội Cá tra Việt Nam, tính đến cuối tháng 2, các địa phương ĐBSCL thả nuôi mới cá tra với diện tích 422 ha, giảm 19 ha so với cùng kỳ năm 2015. Sản lượng thu hoạch đạt 103.855 tấn, giảm 22 tấn so với cùng kỳ. Trong đó, nhiều tỉnh giảm diện tích thả nuôi như: Kiên Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Đồng Tháp…
Cá tra nguyên liệu ở ĐBSCL đang thiếu nhưng giá cá vẫn không tăng Ảnh: Thốt Nốt
Hai tháng qua, nông dân Lê Hạ Huy (ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) như ngồi trên đống lửa vì giá cá tra liên tục giảm. Nhà có 6 ao nuôi nhưng giá cá xuống quá thấp khiến anh không còn mặn mà gì. “Tôi muốn nghỉ nuôi nhưng 30 nhân công lấy gì mà sống? Cá tra trong ao mới được 400-500 g/con, dự kiến 2 thángnữa mới thu hoạch, hy vọng lúc đó giá tăng trở lại” - anh Huy nói.
Anh Nguyễn Tuấn Kiệt (ngụ phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) than vãn: “Giá cá tra xuống thấp quá, chỉ còn 18.500-19.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất 19.000 - 20.000 đồng/kg nên tôi “treo” ao từ trước Tết tới giờ, khi nào giá lên lại mới đầu tư nuôi”.
Từng được mời tham gia diễn đàn của Quốc hội về nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Nguyên - Giám đốc HTX Thủy sản ở xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang - cho biết cá size (cỡ) nhỏ dùng cho chế biến xuất khẩu hiện được các doanh nghiệp mua vào với giá 19.300 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành cho mỗi ký cá loại này đã vào khoảng 22.000 đồng/kg. Như vậy, người nuôi cầm chắc lỗ gần 3.000 đồng/kg. Đặc biệt, nếu như không tìm được đầu ra khi để cá quá lứa (2,5-3 kg/con), giá giảm xuống chỉ còn 17.300 đồng/kg, người nuôi càng lỗ nặng.
Theo ông Nguyên, dù giá cá tra đã giảm thê thảm nhưng muốn bán cho doanh nghiệp cũng không phải dễ dàng vì phải qua các tay “cò” - từ cò “chỉ”, tức người chuyên giới thiệu các hầm cá cho doanh nghiệp thu mua đến “cò mổ”, tức người của doanh nghiệp đến xem cá.
Cải thiện chất lượng cá tra
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra trong tháng 1-2016 đạt gần 150 triệu USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt hơn 33,7 triệu USD (tăng 8,6%), EU gần 25 triệu USD, Trung Quốc và Hồng Kông hơn 17 triệu USD (tăng 33,2% so với cùng kỳ). Xuất khẩu tăng nhưng từ đầu năm nay, giá cá tra lại xuống thấp một cách khó hiểu.
Lý giải điều này, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX Nuôi cá tra Thới An (quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho rằng hiện nay, đa phần doanh nghiệp đều có vùng nuôi cá tra, số nông hộ nuôi rất ít do thua lỗ. Hơn nữa, hàng tồn đọng của các nhà máy trong năm 2015 còn nên họ phải bán số lượng này hết mới thu mua cá trong dân. “Theo tôi, trong năm nay, cá tra vẫn tiếp tục gặp khó khăn do Mỹ bắt đầu áp dụng đạo luật nông trại có hiệu lực từ đầu tháng 3-2016” - ông Hải nhận định.
Ông Hải cũng cho rằng Việt Nam đã gia nhập WTO (Tổ chức Thương mại thế giới), mới đây là TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) nên tình hình càng khắt khe hơn khi nước ngoài đặt ra nhiều hàng rào kỹ thuật.“Tôi nghĩ các tham tán thương mại của nước ta phải biết hoặc tìm hiểu luật, chiêu trò của thị trường các nước rồi về phổ biến cho doanh nghiệp để họ nắm bắt, hiểu rõ nhằm có cách ứng phó và buôn bán hợp lý” - ông đề nghị.
Theo ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản tỉnh An Giang, thông tin về việc thiếu cá tra nguyên liệu chỉ đúng một phần chứ chưa nói lên được bản chất về tình hình nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu mặt hàng này. Bởi lẽ, các doanh nghiệp lớn làm ăn bài bản đều đã xây dựng được vùng nguyên liệu riêng hoặc liên kết với nông dân.
“Các doanh nghiệp này có báo cáo với chúng tôi là đã xây dựng được vùng cá tra nguyên liệu với khoảng 70%nhu cầu cho chế biến xuất khẩu nên không phải lo gì về chuyện này. Cái đáng lo hiện nay là các thị trường truyền thống như Mỹ hay châu Âu có giá xuất cao, khoảng 2,2 USD/kg phi lê, thì đang bị thu hẹp lại vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, thị trường có giá xuất thấp, khoảng 1,9 USD/kg phi lê như Trung Quốc, lại có xu hướng tăng lên. Giá cả là do thị trường quyết định chứ không còn cách nào để tháo gỡ được” - ông Bình băn khoăn.
Sẽ đưa cá tra lên sàn giao dịch
Theo TS Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, từ nay đến năm 2019, hiệp hội sẽ xây dựng đề án xếp hạng doanh nghiệp trong chuỗi ngành hàng cá tra, dự án bản đồ cụm ngành cá tra về vùng nuôi, bản tin giá cả ngành, đề án tái cấu trúc ngành hàng cá tra ở ĐBSCL, phát triển đề án sàn giao dịch điện tử sản phẩm cá tra Việt Nam - Mekong Fish Market nhằm mục tiêu cải thiện chất lượng ngành cá, nâng hình ảnh con cá tra đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Thốt Nốt - Ca Linh (Báo Người Lao Động)