Trong khi các doanh nghiệp và nông dân trồng cao su vẫn đang gồng mình đối mặt với sự suy giảm về giá xuất khẩu, xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc thì ngành công nghiệp chế biến sản phẩm cao su trong nước lại đang phải nhập khẩu một phần khá lớn nguyên liệu cao su, với lí do chất lượng cao su sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu.
Bộ NN&PTNT cho biết, ước khối lượng nhập khẩu cao su trong tháng 7/2015 đạt 34 nghìn tấn với giá trị đạt 60 triệu USD, đưa khối lượng nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đầu năm 2015 đạt 222 nghìn tấn, giá trị nhập khẩu đạt 385 triệu USD, tăng 26% về khối lượng và tăng 8,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu từ các nước như Hàn Quốc (chiếm 20,3%), Nhật Bản (16,3%) và Campuchia (12,7%). Thị trường có giá trị tăng mạnh so với cùng kỳ là Indonesia (gần 3 lần).
Nhập số lượng lớn
Trước đó, năm 2013, Việt Nam nhập khẩu khoảng 313.000 tấn cao su nguyên liệu, bao gồm cả cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên. Và năm 2014, khối lượng nguyên liệu cao su nhập khẩu đạt 328.000 tấn. Giá trị nhập khẩu đạt 658 triệu USD, tăng 4,9% về lượng nhưng giảm 2,4% về giá trị so với năm 2013. Điều này cho thấy xu hướng nhập khẩu nguyên liệu cao su phục vụ sản xuất trong nước đang gia tăng. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), nguyên nhân dẫn đến việc nhập khẩu cao su nguyên liệu có số lượng lớn là do nhu cầu cao su tổng hợp khá cao, hiện chiếm khoảng 45 - 50% tổng nhu cầu cao su tại Việt Nam và toàn bộ đều phải nhập do trong nước chưa sản xuất được. Ngoài ra, nguyên liệu cao su thiên nhiên trong nước tuy nhiều nhưng cơ cấu chủng loại chưa phù hợp với nhu cầu của nhà chế biến sản phẩm cao su.
Ông Nguyễn Đình Đông, đại diện Công ty CP Công nghiệp Cao su miền Nam (Casumina), cho biết, do yêu cầu kỹ thuật của lốp ô tô cao hơn các sản phẩm khác, đặc biệt là đối với lốp Radial toàn thép, vì vậy nhà máy sản xuất lốp Radial toàn thép được Casumina khánh thành đưa vào vận hành vào tháng 4/2014, tại Tân Uyên, Bình Dương đang rất cần có các lô cao su sản xuất theo tiêu chuẩn riêng phù hợp với công nghệ sản xuất của nhà máy.
Hiện tại, nhà máy nói trên của Casumina đang vận hành giai đoạn 1, sản xuất lốp xe tải toàn thép với công suất 1.000.000 lốp/năm, nên sản lượng tiêu thụ các loại cao su thiên nhiên SVR 10 và SVR 20 còn đang ở mức 100 tấn/tháng. Tuy nhiên, trong vòng một năm rưỡi tới, khi dự án hoàn thành, lượng tiêu thụ dự kiến tăng thêm 5 lần.
Do vậy, ông Đông cho biết, nếu không giải được bài toán về nguồn cung cao su thiên nhiên loại SVR 10, SVR 20 từ trong nước, nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ phải tăng lượng nhập khẩu từ Malaysia để thay thế.
Khi nói về lý do không thể dùng được nguồn cung cao su trong nước, ông Võ Quang Thuận, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thuận Lợi, Bình Phước, chuyên sơ chế mủ cao su tiểu điền để tạo ra nguồn cao su thiên nhiên, cho biết, khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp là nguồn nguyên liệu đầu vào từ các vườn cao su tiểu điền không đồng đều về chất lượng. Hiện tượng pha trộn tạp chất vào mủ cao su trước khi bán cho các nhà máy tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn còn tái diễn ở nhiều nơi.
Ông Thuận cho rằng đã đến lúc cần có tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nguyên liệu mủ cao su đầu vào khi đưa đến các nhà máy sơ chế cao su để có cơ sở pháp lý cho các cơ quan chức năng kiểm tra và xử phạt vi phạm. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu Cao su cần mở rộng chức năng và dịch vụ đánh giá năng lực, độ chính xác, độ tin cậy của các phòng kiểm phẩm cao su trong cả nước.
Đồng quan điểm trên, các chuyên gia nông nghiệp cũng cho rằng nghịch lý này tồn tại đã nhiều năm nhưng chưa có lời giải. Bởi hiện nay, cơ cấu chủng loại cao su thiên nhiên của Việt Nam chưa phù hợp với ngành công nghiệp chế biến cao su trong nước. Tuy Việt Nam đã có các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng nguyên liệu cao su thiên nhiên tương đương với các nước tiên tiến nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các nhà máy sơ chế, chế biến cao su và nguyên liệu đầu vào nên việc kiểm soát chất lượng khó thực hiện đồng bộ.
Hậu quả, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu mủ cao su sơ chế hàng đầu thế giới nhưng lại phải nhập khẩu gần như toàn bộ cao su nguyên liệu cho chế biến sâu.
Xuất khẩu bấp bênh
Tình trạng xuất khẩu cao su Việt Nam cũng đáng báo động, do sản phẩm xuất khẩu vẫn chủ yếu là dưới dạng nguyên liệu thô, khoảng70%/tổng sản lượng và thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao trong tổng sản lượng xuất khẩu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu cao su tháng 7/2015 ước đạt 98 nghìn tấn với giá trị 146 triệu USD,7 tháng đầu năm 2015 xuất khẩu cao su đạt 519 nghìn tấn, giá trị đạt 760 triệu USD, tăng 13,6% về khối lượng nhưng giảm 9,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2015 đạt 1.457 USD/tấn, giảm 22,28% so với cùng kỳ năm 2014. Trung Quốc, Malaysia và Ấn Độ vẫn duy trì là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2015, chiếm 72,4% thị phần.
Đồng thời, theo dự báo của Tổ chức Nghiên cứu Cao su Quốc tế (IRSG), nguồn cung cao su thiên nhiên tăng nhanh tại Việt Nam và một số quốc gia khác trên thế giới đang tiếp tục tạo áp lực làm giá cao su thiên nhiên thấp có thể kéo dài sang nhiều năm tới.
Chủ tịch VRA cũng nhận định, sản lượng cao su thiên nhiên thế giới vẫn ở tình trạng cung vượt cầu. Cao su nguyên liệu còn gặp nhiều khó khăn do giá sụt giảm mạnh với những biến động khó dự đoán liên quan đến giá dầu thô, bất ổn chính trị, tỷ giá…
Chất lượng cao su sản xuất trong nước chưa đáp ứng được yêu cầu?
Bên cạnh đó, mức tiêu thụ cao su thiên nhiên trong nước để chế biến sản phẩm còn ít nên ngành cao su sẽ phải tiếp tục xuất khẩu nguyên liệu thô khoảng 70% tổng sản lượng cả nước trong nhiều năm tới…
Bà Trần Thị Thúy Hoa, Chánh văn phòng VRA, cho biết, trước đây xuất khẩu cao su thiên nhiên sang thị trường Trung Quốc chiếm tới60% trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam, nay dù đã giảm chỉ còn khoảng 40% nhưng thị trường này vẫn là thị trường lớn nhất của ngành cao su, từ 460.000 - 500.000 tấn mỗi năm, chiếm khoảng 40 - 50% tổng lượng cao su xuất khẩu mặc dù đang có xu hướng giảm dần về tỷ trọng.
Việc Trung Quốc phá giá đồng NDT đã ít nhiều ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp cao su vào Trung Quốc. Cụ thể, khi NDT giảm giá sẽ khiến cho giá cao su nhập khẩu cao hơn so với giá cao su nội địa tại Trung Quốc, do đó nước này sẽ có xu hướng sử dụng cao su nội địa thay vì nhập khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cao su trong nước khi tiêu thụ tại nội địa cũng sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn bởi các sản phẩm chế biến từ cao su như lốp xe, găng tay, băng tải… từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ có giá rẻ hơn trước đây.
Ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA)
Toàn ngành cao su đang phấn đấu sau năm 2020 chỉ xuất khẩu thô 50% sản lượng cao su. Số còn lại, sẽ được tinh chế rồi mới xuất khẩu để tăng giá trị cho cao su thiên nhiên Việt Nam. Tuy nhiên, để làm được điều này, rất cần có tiếng nói chung và sự hợp tác giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp sử dụng cao su thiên nhiên, cũng như sự trao đổi kinh nghiệm sản xuất, chia sẻ thông tin một cách thường xuyên giữa các doanh nghiệp trong ngành cao su.
Lê Thúy (Thời báo kinh doanh)