Thời điểm đầu năm 2017, giá thịt heo rớt chạm đáy, ở mức 17.000 đồng/kg khiến cả nước phải giải cứu ngành thịt heo. Nguyên nhân là cung lớn hơn cầu khi xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bị đình đốn. Bài học về công tác quản lý chăn nuôi được đặt ra, đặc biệt là việc lo đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi của các cấp, các ngành và doanh nghiệp. Chính việc không chủ động được đầu ra đã khiến cho người chăn nuôi lo ngại trong việc tiếp tục đầu tư vào chăn nuôi hay không?
Giá tăng người nuôi không có heo để bán Ảnh: Xuân Trường
Quý II/2018 ghi nhận việc thịt heo quay đầu tăng giá lên tới hơn 40.000 đồng/kg, một mức giá mà người chăn nuôi đã có lãi. Tuy nhiên, người dân không có heo để bán, do hai năm thua lỗ liên tục nên nhiều hộ đã “treo chuồng”. Các tỉnh Nam bộ, nơi chăn nuôi tập trung, hiện nay đàn heo của các doanh nghiệp chiếm 70% tổng đàn, trong khi đàn heo của người dân chỉ còn chiếm 30%. Việc các doanh nghiệp không dám tăng đàn do ngại cung vượt cầu là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung xuất khẩu sang Campuchia.
Việc giảm đàn heo, nhất là giảm đàn heo bố mẹ đã dẫn tới việc thiếu hụt nguồn cung, qua đó phục hồi đà tăng giá, vực dậy ngành chăn nuôi heo. Đây là việc đã nằm trong dự liệu và tính toán của các ban ngành. Song khi nuôi heo bắt đầu được phục hồi, người dân lại đổ xô phục hồi đàn heo. Bằng chứng là giá heo bố mẹ tăng đột biến và nhiều địa phương đều ghi nhận người tái tạo đàn.
Có lẽ ít có ngành kinh tế nào mà giá cả lại phập phù, diễn biến chóng mặt như trong ngành chăn nuôi. Có những thời điểm như năm 2011, giá gà tăng 100%, giá heo tăng 70%. Năm 2015 giá thịt heo tăng, năm 2016 giá thịt heo cũng tăng mạnh, nhưng năm 2017 giá giảm sâu kỷ lục, năm 2018, giá thịt theo lại tăng gấp 3 lần so với năm 2017.
Xét về phương diện quản lý và xây dựng một ngành sản xuất, rõ ràng không thể để tiêu chí “may rủi” chi phối quá nhiều. Có thể lý giải việc giá cả phập phù của ngành chăn nuôi Việt Nam là do dựa quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Bản thân việc xuất khẩu tiểu ngạch đã không ổn định, cộng thêm việc giá cả thịt theo tại Trung Quốc cũng lên xuống chóng mặt. Trung Quốc phải nhập khẩu thịt heo khối lượng lớn, khi thị trường thế giới biến động, nguồn cung giảm, giá thịt heo của nước này tăng rất cao, nhưng khi thị trường ổn định, giá lại sụt giảm.
Để dần giảm bớt sự lệ thuộc vào xuất khẩu tiểu ngạch, Việt Nam đã có nhiều biện pháp nhằm phát triển thương mại bền vững hơn với Trung Quốc, mở rộng nhiều thị trường mới và tích cực tiêu thụ nội địa.
Một bài toán được đặt ra đó là trong khi giá tiêu thụ sản phẩm của người nông dân giảm nhưng ngược lại, các nhà chế biến tiêu thụ có lãi. Năm ngoái, báo cáo tài chính quý I của Công ty Cổ phần Kỹ nghệ súc sản (Vissan) cho thấy doanh thu thuần đạt 979 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ, nhưng nhờ giá vốn giảm sâu đến 6% nên lợi nhuận gộp thu về 265 tỷ đồng, tăng đến 17% so với lợi nhuận gộp quý I năm trước. Nguyên nhân lãi cao bất ngờ là “giá vốn giảm là do giá heo hơi đầu vào giảm mạnh, giảm 40% so với giá bình quân năm 2016”. Như vậy, việc điều tiết giá cả trên thị trường nội địa còn phụ thuộc vào việc chia sẻ lợi nhuận giữa những doanh nghiệp buôn bán, tiêu thụ sản phẩm, các thương lái trung gian với người chăn nuôi.
Theo tính toán, những biến động giá cả thời gian vừa qua, người chăn nuôi nhỏ lẻ các trạng trại nhỏ là những người thiệt hại nhiều nhất. Do các doanh nghiệp lớn mặc dù cũng chịu biến động giá nhưng có vốn liếng để cầm cự dài hơi, nhiều doanh nghiệp có chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm, có sự quản lý điều hành tốt, dự báo thị trường tốt… nên thiệt hại không nhiều. Trong khi đó, người nông dân thường chăn nuôi theo phong trào, sau hai năm thiệt hại, đa số bị “treo chuồng”, bỏ nghề hoặc ngừng đầu tư vì cạn kiệt nguồn vốn và không có đầu ra.
Thủ phủ nuôi heo Đồng Nai, vai trò người dân ngày càng ở vị trí thế yếu, khi mà Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam (chiếm 36,4 %), CJ Vina (chiếm 8,12 %); Japfa (chiếm 7,79 %); Sunjin (chiếm 0,83 %) tổng đàn heo cả tỉnh. Khi biến động giá cả xảy ra, người thiệt hại nhiều là các cơ sở nhỏ lẻ, không được liên kết với các nhà máy. Khắc phục điều này, tỉnh Đồng Nai đã ký kết chuỗi cung cấp thịt heo truy xuất nguồn gốc cho hơn 700 trang trại để bán vào TP Hồ Chí Minh. Xây dựng chuỗi kiểm soát an toàn thực phẩm thịt heo và sản phẩm thịt heo với siêu thị Big C trên toàn tỉnh….
Theo tính toán của các chuyên gia thị trường, Việt Nam vẫn là một trong những cường quốc nuôi heo. Song, để tránh tình trạnh giá cả trồi sụt thất thường, biên độ giao động về giá quá lớn, tránh sự tổn thương cho những hộ nông dân và các trang trại nhỏ, việc phát triển ngành chăn nuôi cần được xây dựng theo các chuỗi liên kết, dựa trên sự chia sẻ lợi nhuận từ người chăn nuôi đến nhà chế biến, xuất khẩu, đồng thời giảm bớt rủi ro cho người nông dân Việt Nam.
Tại các tỉnh phía Bắc, dù xuất khẩu sang Trung Quốc không được cải thiện nhưng giá thịt heo xuất chuồng cũng lên mức 44.000 đồng/kg do nhu cầu tiêu thụ nội địa, đặc biệt sau dịp Tết, cầu đã vượt cung. Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2018 tăng 0,08% so với tháng 3. Riêng giá thịt heo tăng 1,25% so với tháng trước. |
Giáo sư Võ Tòng Xuân Cần sự vào cuộc của quản lý Nhà nước Vấn đề giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản cần sự vào cuộc của cơ quản quản lý Nhà nước. Cụ thể ở đây là Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương phải cùng nhau ngồi lại để thông tin cho người dân, địa phương thấy nhu cầu thị trường cần bao nhiêu, thị trường nào cần sản phẩm gì… Từ đó, các địa phương mới đăng ký sản xuất cung cấp cho thị trường đó. Tuy nhiên, sự hỗ trợ chủ yếu vẫn chỉ mang tính nhất thời, không giải quyết được căn cơ vấn đề. Một số giải pháp dài hơi hơn cũng được đưa ra. Thương vụ Việt Nam tại các nước sẽ phải làm nhiệm vụ cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường của nước sở tại cho 2 bộ này để tổng hợp. Từ đó mới có thể phân tích nhu cầu thị trường cung cấp cho người dân và các địa phương. Ông Đào Xuân Phúc, xã Vũ Văn, huyện Vũ Thư, Thái Bình Quy hoạch lại nguồn cungThị trường thịt heo hơn 1 năm nay trải qua nhiều biến động mạnh, từ việc giảm giá sâu đến tình trạng thua lỗ, “treo chuồng” của hộ nuôi, sự việc xảy ra như biến động mạnh của ngành chăn nuôi heo trong nhiều năm qua. Đến hơn 1 tháng nay, giá heo lại tăng mạnh, đạt gần 50.000 đồng/kg, tuy nhiên người dân lại hết heo để bán, đây cũng là điều tất yếu và được dự báo trước, bởi nguồn cung trong các hộ nuôi đã hết, do không còn vốn để sản xuất. Người sản xuất hầu như vẫn phụ thuộc vốn vào các doanh nghiệp thức ăn, thu mua, do đó, không còn tiềm lực sản xuất khi giá heo đã giảm mạnh. Để giải quyết bài toán đầu ra và giá cho thịt heo, cần quy hoạch lại nguồn cung, thực hiện liên kết chuỗi trong sản xuất. |
Nguồn: nguoichannuoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn