Bà con nông dân xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu, Hưng Yên) phấn khởi chờ xuất khẩu nhãn sang M. Ảnh: Phan Sáng
Những vườn nhãn thu lãi hàng trăm triệu
Xã Hàm Tử (huyện Khoái Châu) là thủ phủ của nhãn lồng Hưng Yên. Nơi đây có truyền thống trồng nhãn nổi tiếng từ hàng trăm năm trước. Bạt ngàn nhãn lồng từ hai bên đường làng, ngõ xóm, bờ ruộng... Chạy trên đường làng của vùng quê Hàm Tử chỉ cần đưa tay ra hai bên đường có thể hái được nhãn.
Thôn Xuân Đình (xã Hàm Tử) tuy chưa phải địa phương trồng nhãn nhiều nhất, nhưng cũng bạt ngàn nhãn chất lượng cao. Hầu như nhà nào cũng trồng diện tích lớn. Anh Nguyễn Hữu Tài, một người dân cho biết: “Gia đình trồng ít hơn so với bà con trong thôn, nhưng năm nào cũng thu hoạch được trên 5 tấn nhãn”. Hiện gia đình anh sở hữu 5 sào nhãn lồng có độ tuổi từ 10 đến 15 năm. Sau mỗi mùa thu hoạch, trừ chi phí đầu tư, tiền công chăm bón, gia đình anh thu về trên cả trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Ánh, một trong số chủ hộ gia đình trồng trên cả chục sào nhãn cho biết, tuy mới bước vào vụ thu hoạch, nhưng theo kinh nghiệm cho thấy, năm nay ông sẽ thu hoạch được khoảng chục tấn nhãn chất lượng cao. Nếu bán với giá bình quân trên thị trường như hiện nay, từ 20.000 - 25.000 đồng/kg, gia đình sẽ thu lãi vài trăm triệu đồng. Hiện xã Hàm Tử có 4 thôn, hầu hết đều trồng nhiều nhãn. Dọc đường liên xã nối dài từ thôn Xuân Đình qua thôn Đức Nhuận, Hàm Tử, An Cảnh... từng cánh đồng nhãn nối dài trĩu nặng quả thơm ngon đang chờ người thu hoạch.
95% đạt yêu cầu xuất đi Mỹ
Ông Nguyễn Thanh Oai, Chủ tịch UBND xã Hàm Tử, cho biết, thôn An Cảnh được xem là “thủ phủ” của nhãn lồng Hưng Yên. Nhãn ở đây không chỉ thơm ngon nổi tiếng mà nơi đây cung cấp nguồn cây giống cho khắp cả nước. Hầu hết nhãn bà con trồng và chăm sóc đã có độ tuổi từ 15-20 năm, nên sản lượng và chất lượng luôn đạt cao. Người dân An Cảnh cho biết, nhờ nghề trồng nhãn không ít hộ gia đình trở thành đại gia như: hộ ông Nguyễn Hữu Nghĩa hiện sở hữu hàng chục sào nhãn có độ tuổi thu hoạch cao; hộ ông Đinh Văn Mau, ông Nguyễn Văn Hà...
Được biết, cùng với xã Hồng Nam (TP Hưng Yên), năm nay thôn An Cảnh (xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu) cũng được chọn đầu tư thí điểm 13 ha nhãn chất lượng cao để xuất khẩu sang Mỹ. Theo đó, những gia đình nằm trong vùng quy hoạch của dự án chương trình sẽ được nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, một phần thuốc bảo vệ thực vật, bao trái (bao lồng chùm và quả nhãn); miễn phí toàn bộ chương trình giảng dạy và học tập. Tuy nhiên, trong quá trình sản xuất, yêu cầu bà con nông dân phải tuân thủ theo đúng quy định của chương trình VietGAP. Tuyệt đối không gia đình nào bón phân tươi, không phun thuốc trừ sâu, phải làm theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật...
Được biết, diện tích nhãn thí điểm đã đạt chất lượng 95% để xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, để đưa được nhãn Hưng Yên sang Mỹ là hết sức khó khăn đối với bà con nông dân. Qua nhiều cuộc hội thảo, phía Mỹ đòi hỏi khắt khe chất lượng nhãn. Một người dân Hàm Tử nhẩm tính: Chỉ tính riêng ngày công bỏ ra để lồng bao trái đối với mỗi gốc nhãn ít nhất cũng mất 3 ngày, tương đương 600.000 đồng tiền công.
Khác với tính toán này, nhiều người dân ở thôn An Cảnh (Hàm Tử, Khoái Châu) và xã Hồng Nam (TP Hưng Yên) lại tỏ ra phấn khởi do được nhà nước hỗ trợ đầu tư sản xuất nhãn chất lượng cao. Theo đánh giá của một số chuyên gia nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, cũng như kinh nghiệm của bà con nông dân thôn An Cảnh, hiện số diện tích được đầu tư sản xuất thí điểm để xuất khẩu sang Mỹ có chất lượng rất tốt.
Ông Nguyễn Thanh Oai, Chủ tịch UBND xã Hàm Tử cho biết thêm, nếu không xuất khẩu được sang Mỹ, bà con cũng có thể đưa đi các thị trường khác mà vẫn cho thu nhập cao.
Diện tích trồng nhãn quy mô tập trung khoảng 2.000 ha, tập trung nhiều tại các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động và thành phố Hưng Yên, với sản lượng hằng năm từ 35.500 - 40.000 tấn, cho giá trị thu nhập từ 400-500 tỷ đồng/năm. Nếu không xuất khẩu được mà chỉ bán trong nước cũng không lo ế và không lo giá rẻ” - bà Đoàn Thị Chải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hưng Yên.
Theo Phan Sáng/tienphong.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn