Thời điểm này, các nhà vườn trồng nhãn chín muộn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ở 2 huyện Hoài Đức, Quốc Oai đang rục rịch thu hoạch nhãn để chuẩn bị “tung” thị trường những trái nhãn ngọt lịm, to tròn và đặc biệt chuẩn bị cho chuyến xuất khẩu sang thị trường Úc tới đây. |
Có mặt tại vườn nhãn rộng hơn 1ha của gia đình ông Trần Văn Bảy (xã Song Phương, Hoài Đức) chúng tôi mới thấy “choáng ngợp” bởi những chùm nhãn chín mọng, mẫu mã đẹp, trông rất mát mắt đang lủng lẳng trên cây. |
Ông Bảy chia sẻ, thời điểm này, vườn nhãn nhà ông đang cho thu hoạch. Năm nay do ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất giảm nhiều so với năm 2018. Song, mẫu mã, chất lượng quả nhãn không kém so với mọi năm. |
Vườn nhãn của gia đình ông Bảy chủ yếu trồng 2 giống HTM1 và HTM2. Toàn bộ được chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo chất lượng, sức khỏe cho người tiêu dùng và đạt tiêu chuẩn, mẫu mã để hướng tới xuất khẩu vào những thị trường khó tính. |
Năm nay, gia đình ông tiếp tục được các Cty thu mua nhãn để xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Dự kiến, sẽ có khoảng 2 tấn nhãn sạch được ký kết với các Cty, với giá bán tại vườn dao động 40.000 - 45.000 đồng/kg. |
Bà Phùng Thu Hương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Thương mại và xuất khẩu Green Path Việt Nam chia sẻ, dựa trên các tiêu chí, tiền đề của năm 2018, năm nay, Cty hướng xuất khẩu nhãn sang thị trường Úc. Tuy nhiên, đang chờ nghị định thư giữa hai nước được ký. |
Bà Hương đánh giá, nhãn chín muộn của Hà Nội có hương vị, chất lượng khác biệt so với các dòng nhãn chính vụ ở nước ta. Phía Cty đang phối hợp với các đơn vị liên quan, người dân quyết tâm đưa sản phẩm nhãn chín muộn “bay xa” hơn nữa. “Tiêu chí của Cty là không chạy theo số lượng mà sẽ chọn chất lượng làm hàng đầu, có như vậy mới bảo vệ được tính bản địa, sự uy tín của quốc gia…”, bà Hương thổ lộ. |
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Đại cho biết, nhãn chín muộn là một trong những cây trồng được Hà Nội lựa chọn để phát triển trong thời gian tới. Với 600ha nhãn chín muộn, mỗi năm cho thu hoach 20.000 tấn quả, đem lại giá trị kinh tế hàng trăm tỷ đồng. Trong 2 năm vừa rồi, Sở đã phối hợp với các Cty, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội đưa nhiều TBKT vào trong SX. Hướng dẫn bà con nông dân cách chăm sóc, quy trình SX sạch… Thời gian tới, Hà Nội sẽ mở rộng vùng trồng nhãn chín muộn nhưng vẫn đảm bảo đầu ra cho người dân. Đồng thời, đa dạng hóa sản phẩm như làm long nhãn sấy, bán tươi…, đảm bảo giá cả, không để thương lái o ép. Trong ảnh: Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Đại kiểm tra vườn nhãn. |
Ông Chu Công Tuyền, Trung tâm Phát triển Nông nghiệp Hà Nội bộc bạch, hiện nay, vùng trồng nhãn chín muộn của Hà Nội tập trung nhiều ở 2 huyện Hoài Đức, Quốc Oai, chủ yếu trồng giống HTM1 và HTM2. Cũng như mọi năm, ngay từ đầu vụ, đơn vị đã hướng dẫn người dân cách chăm sóc, kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, phương pháp bảo vệ trái, mẫu mã… để đủ tiêu chuẩn hướng xuất khẩu. Được biết, năm 2018, năng suất nhãn chín muộn tăng vượt trội so với các năm trước, hiệu quả kinh tế ước đạt 575 triệu đồng/ha. Thương hiệu nhãn chín muộn của Hà Nội được trong và ngoài nước biết đến, các sản phẩm đã có mặt trên rất nhiều tỉnh thành trên cả nước. Và đặc biệt, năm 2018, Hà Nội đã xuất khẩu hơn 19 tấn nhãn chín muộn sang các nước Châu Âu và Mỹ. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn